Bảo hiểm đón “cú huých” chính sách

(ĐTCK) Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường với kỳ vọng luật mới sẽ tạo “cú huých” cho thị trường bảo hiểm bứt phá trong thời gian tới.
Mục tiêu đến năm 2025, có 15% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ (ảnh chụp trước dịch Covid-19). Ảnh: Dũng Minh

Mở rộng hơn quyền lợi người mua bảo hiểm

Liên quan tới hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi tuy đã bổ sung nhiều quy định mới về nội dung, hình thức hợp đồng; các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm…, nhưng theo một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều quy định vẫn chưa thực sự bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam - một trong những thành viên được lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho rằng, dự thảo cần tập trung hơn tới việc bảo vệ lợi ích người mua bảo hiểm.

Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 14 về nội dung của hợp đồng tại dự thảo, hợp đồng bảo hiểm bao gồm nhiều nội dung như người được bảo hiểm và người thụ hưởng; số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm; phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm, điều kiện hoặc điều khoản bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng..., nhưng chưa đề cập tới hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm để thống nhất với Điều 28, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

“Với mỗi nghiệp vụ hay hợp đồng bảo hiểm, nhà bảo hiểm phải công bố trước danh mục hồ sơ cần có để yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhằm tránh sự sách nhiễu, phiền hà cho người mua bảo hiểm khi làm hồ sơ bồi thường, cũng là cơ sở để xử phạt bên bán bảo hiểm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ bồi thường. Đây là bước đột phá để các công ty bảo hiểm không còn gây khó khăn về thủ tục đối với người dân khi tham gia bảo hiểm”, ông Sơn nói.

Cần xem bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai, không những đảm bảo tích lũy phí bảo hiểm, mà còn cả tính mạng và sức khỏe của người mua bảo hiểm, tương tự với số tiền mà công ty bảo hiểm sẽ trả khi sự kiện bảo hiểm xảy ra cũng là một dạng tài sản hình thành trong tương lai.

Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, cần hạn chế việc chi hoa hồng bảo hiểm không đúng quy định, bởi trên thực tế còn diễn ra tình trạng chi hoa hồng bảo hiểm cao hơn cho phép, hoặc khách hàng đòi hoa hồng hay đại lý bảo hiểm “cắt” hoa hồng cho khách hàng…, gây hệ lụy xấu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

“Khi chi phí hoa hồng tăng cao sẽ buộc công ty bảo hiểm phải tìm cách hợp thức hóa chi phí này và điều đó khiến lợi nhuận thực tế bị bóp méo, nhưng quan trọng hơn, chi phí tăng ắt lợi nhuận sẽ giảm và để bù đắp sự thiếu hụt đó, công ty bảo hiểm sẽ tìm cách giảm chi phí bồi thường là chi phí trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận, mà giảm tiền bồi thường cũng chính là giảm quyền lợi của người mua bảo hiểm”, ông Sơn lý giải.

Ngoài ra, với quy định hiện hành về quyền lợi có thể được bảo hiểm, có ý kiến cho rằng, các mối quan hệ này chưa được làm rõ, chưa khuyến khích và tạo điều kiện cho những người yếu thế trong xã hội tham gia vào quan hệ bảo hiểm, từ đó hạn chế sự mở rộng thị trường bảo hiểm. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này theo hướng mở rộng tối đa quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Cụ thể, khách hàng muốn tham gia bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm (là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm). Ngoài ra, pháp luật cũng quy định rõ, đối với hợp đồng bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho bản thân bên mua bảo hiểm; vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; anh chị em ruột, người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng của bên mua bảo hiểm; hoặc người khác nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Để đảm bảo nguyên tắc này, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm cần kiểm tra giữa người tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm có tồn tại quyền lợi có thể được bảo hiểm theo nguyên tắc và quy định của hợp đồng bảo hiểm đó hay không, bởi việc cho tặng hợp đồng bảo hiểm là một nhu cầu thực tế (các tổ chức từ thiện tặng hợp đồng bảo hiểm cho trẻ em mồ côi, bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc những người yếu thế trong xã hội).

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần coi như một loại tài sản

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia bảo hiểm Trương Minh Cát Nguyên cho rằng, cần xem bảo hiểm nhân thọ là một loại tài sản hình thành trong tương lai, không những đảm bảo tích lũy phí bảo hiểm, mà còn cả tính mạng và sức khỏe của người mua bảo hiểm, tương tự với số tiền mà công ty bảo hiểm sẽ trả khi sự kiện bảo hiểm xảy ra cũng là một dạng tài sản hình thành trong tương lai.

Khi xác định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một tài sản hình thành trong tương lai, người mua có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ như các quyền thông thường đối với loại tài sản này như mua bán, trao đổi/chuyển giao, cầm cố/thế chấp… và các quyền này đều được Nhà nước đảm bảo, từ đó tạo ra cho hợp đồng bảo hiểm một giá trị cao hơn, hấp dẫn hơn, xứng đáng để người dân an tâm, tin tưởng khi tham gia.

Bên cạnh đó, cần tính đến bài toán tăng thanh khoản cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi được chứng khoán hóa, có thể đóng tiền vào hay rút ra cũng không bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Vì hiện tại, nếu chưa xảy ra rủi ro, người mua bảo hiểm sẽ phải trả các loại phí cho nhà bảo hiểm, nếu rút 2 năm đầu thì sẽ mất khoản tiền đầu tư, điều này khiến hợp đồng bảo hiểm trở nên kém hấp dẫn.

“Chỉ cần chúng ta thay đổi quan niệm về bản chất của loại tài sản hợp đồng bảo hiểm, các vấn đề trên sẽ được giải quyết và nhanh chóng giải phóng sức mua trong dân. Dĩ nhiên, để làm được điều này, cần phải sửa luật phù hợp theo tư duy kiến tạo, điều mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý, định hướng cho tinh thần thay đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm tại phiên thảo luận vừa qua”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Được biết, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau khi ban hành luật sửa đổi này có tạo ra cú huých để thị trường phát triển không là điều rất quan trọng, chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc.

Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ hai dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội, tính đến thời điểm hiện tại, có gần 12 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số; 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).

Tại đề án của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, doanh thu phí bảo hiểm bình quân sẽ đạt 3,5% GDP và có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục