Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe: Khó có lãi vì bồi thường cao

(ĐTCK) Dẫn đầu về tỷ trọng cũng như tăng trưởng doanh thu phí của bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng do tỷ lệ bồi thường cao, có thời điểm lên đến 70-80% doanh thu, nên nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức không đạt hiệu quả như kỳ vọng, buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh.

Báo cáo ĐHCĐ năm 2020 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho thấy, doanh thu bảo hiểm sức khỏe năm 2019 đạt 379 tỷ đồng, tăng trưởng âm 25% so với năm 2018 và chỉ đạt 74% kế hoạch doanh thu cả năm.

Cùng với khó khăn trong việc khai thác sản phẩm bảo hiểm sinh mạng cho người vay tín chấp, doanh thu bảo hiểm sức khỏe năm 2019 giảm còn do PJICO đã rà soát lại và không tái tục đối với các dịch vụ bảo hiểm Healthcare (chăm sóc sức khỏe) vốn có tỷ lệ tổn thất cao trên 70%, góp phần đưa tỷ lệ bồi thường gốc giảm về mức 36%.

Không chỉ PJICO, nhiều hãng bảo hiểm khác như BIC, Bảo Minh, PTI… trước đó cũng buộc phải xem xét, điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Đơn cử, tại Bảo hiểm BIDV (BIC), những năm gần đây đã không còn tiếp cận nhiều dịch vụ có mức độ rủi ro cao.

Chiến lược của BIC là hướng đến các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp, đặc biệt là kiểm soát các nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới… vốn đang cạnh tranh khốc liệt.

Cũng vì lý do này mà BIC đã chủ động thắt chặt đối với một trong những sản phẩm bảo hiểm chủ lực là BIC Healthcare.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), đại diện nhà bảo hiểm này cho biết, cũng giống như bảo hiểm xe cơ giới, nếu doanh thu bảo hiểm chăm sóc sức khỏe không đủ lớn thì khó có thể có lãi.

Được biết, những năm trước, tỷ lệ bồi thường của mảng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại PTI cũng ở mức cao, có thời điểm lên tới 80%, trước khi quay trở lại “quỹ đạo an toàn” như hiện nay nhờ chủ động tái cơ cấu, rà soát lại chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

“Năm 2019, mảng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đạt mức tăng trưởng trên 30%. Đây vẫn là nghiệp vụ trọng yêu của PTI với hướng khai thác sẽ được mở rộng hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài…”, đại diện PTI nói.

Còn lãnh đạo PJICO thì cho hay, song song với việc chủ động rà soát và không tái tục đối với các dịch vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe có tỷ lệ tổn thất cao, Công ty đang triển khai ký kết hợp tác với các bệnh viện phòng khám có uy tín trên toàn quốc để mở rộng hệ thống bảo lãnh viện phí, bao gồm cả nội trú và ngoại trú, để nâng cao chất lượng dịch vụ bồi thường và khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm nói rằng, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dù bán rất tốt, nhưng nếu không đảm bảo nguyên tắc “số đông bù ít” thì lỗ là đương nhiên.

Theo vị này, trên thực tế, khi mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, hầu hết khách hàng cá nhân đã có kế hoạch sử dụng sản phẩm tại những bệnh viện tư nổi tiếng, nên chi phí rất cao…

“Với mức phí thấp, chi phí bồi thường lại cao, thì khó công ty bảo hiểm nào có thể bù đắp nổi. Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nếu muốn đạt hiệu quả ngoài việc siết chặt điều khoản, giảm tỷ lệ bồi thường, thì cần phải bán được cho các tổ chức, doanh nghiệp mua cho nhân viên với số lượng lớn”, vị này chia sẻ.

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2019, tổng doanh thu  phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018. Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (33,22%), đạt 17.403 tỷ đồng, tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (16.010 tỷ đồng, tỷ trọng 30,56%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (6.502 tỷ đồng, tỷ trọng 12,41%), bảo hiểm cháy nổ (5.412 tỷ đồng, tỷ trọng 10,33%), bảo hiểm hàng hoá vận chuyển (2.540 tỷ đồng, tỷ trọng 4,85%).

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục