Tỷ trọng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng cao

(ĐTCK) Tại Việt Nam, thời gian gần đây, sức khỏe luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân vì lo ngại trước tình trạng ô nhiễm thực phẩm, môi trường, bệnh dịch… 
Đời sống người dân cải thiện, kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày một tăng. Đời sống người dân cải thiện, kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày một tăng.

Theo đó, các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp đã vượt qua giải trí bên ngoài trở thành 1 trong 5 sản phẩm/dịch vụ được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng trong nguồn tiền nhàn rỗi của mình.

Theo báo cáo mới nhất của Nielsen về hành vi người tiêu dùng trong quý I/2020, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng Sức khỏe ở mức 49%, tăng 4% so với quý 4/2019 và là mức cao nhất trên toàn cầu, tiếp theo là Pakistan (47%), Latvia (40%) và 

Singapore (39%). Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng tiền nhàn rỗi cho các gói bảo hiểm cao cấp cao nhất trên toàn thế giới với 38%, cho dù chỉ số quan tâm đến sức khỏe có giảm nhẹ (-2%) so với quý trước.

Năm 2019, tính riêng khối phi nhân thọ, xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu với 33,22%, tương đương 17.403 tỷ đồng (thống kê của Bộ Tài chính).

Còn với khối nhân thọ, theo ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%...

Đơn cử, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), nếu như vài năm trước doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm con người chiếm khoảng hơn 20% tổng doanh thu, thì đến năm 2019 đã tăng lên hơn 40%. Tính đến cuối quý I/2020, tỷ trọng dòng sản phẩm này tăng lên gần 50% do tác động của dịch Covid-19.

Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm sức khỏe quý đầu năm nay chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm cho cá nhân, trong khi các gói sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp đã chững lại vì thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế nguồn kinh phí.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, cả công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được cho là sẽ đẩy mạnh khai thác phân khúc bảo hiểm này khi lệnh giãn cách xã hội dần nới lỏng.

Nhiều nhà bảo hiểm như Sun Life, Dai-ichi Life, Manulife, Chubb Life, Hanwha Life… đều đang có chiến lược khai thác phân khúc khách hàng này, đặc biệt là nhu cầu mua bảo hiểm cho nhân viên của các doanh nghiệp nước ngoài.

Được biết, hồi cuối năm 2019, Bảo hiểm PVI đã chính thức trở thành đối tác của Swiss Life Network.

Theo đó, Bảo hiểm PVI sẽ tiếp cận và cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Swiss Life hiện có trên 500 khách hàng là trụ sở chính của các công ty đa quốc gia, trong đó 20% đã hiện diện tại thị trường Việt Nam, nên đây sẽ là một phân khúc rất tiềm năng.

Tiếp nhận làn sóng bảo hiểm đang tăng lên của người dân, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo thêm các tiện ích cho khách hàng, từ đó tăng sức hút khách hàng.

Đơn cử, PTI triển khai nhiều chính sách như mở rộng các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng; gia tăng các dịch vụ hỗ trợ, chia nhỏ thời hạn thanh toán phí… nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp mùa dịch.

Bên cạnh đó, PTI phát triển ứng dụng bán hàng Your PTI, đa dạng hóa danh mục sản phẩm bảo hiểm online nhằm giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, cũng như chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin và mua bảo hiểm.

“Thị trường bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là khi đời sống dần được nâng cao, kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng lên. Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng và cung cấp các chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đa dạng, linh hoạt và phù hợp với mọi đối tượng khách hàng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục