Báo động tăng trưởng tín dụng thấp 6 tháng đầu năm

Tăng trưởng tín dụng tiền đồng đang ở mức báo động, khi chỉ đạt 0,68% trong 6 tháng đầu năm, nguy cơ vỡ chỉ tiêu tín dụng năm nay là rất cao. Nếu không đổi mới cơ chế cho vay, tín dụng sẽ còn tiếp tục đóng băng.
6 tháng đầu năm nay, dòng chảy tín dụng chủ yếu dựa vào  ngoại tệ, trong khi tiền đồng hầu như bế tắc           6 tháng đầu năm nay, dòng chảy tín dụng chủ yếu dựa vào ngoại tệ, trong khi tiền đồng hầu như bế tắc

Báo động tín dụng tiền đồng

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 25/6, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,3%.

Đây là mức tăng đáng kể, bởi 5 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 1,31%. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tín dụng đề ra trong năm nay (12-14%), thì rõ ràng, ngành ngân hàng còn cả chặng đường dài trước mắt. Không những thế, theo ông Phạm Xuân Hòe, một lượng khá lớn tín dụng  đổ vào trái phiếu chính phủ, chứ không đi vào sản xuất.

Một con số đáng lo ngại nữa là, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng chảy tín dụng chủ yếu dựa vào ngoại tệ, trong khi tiền đồng hầu như bế tắc. Cụ thể, tính đến ngày 20/6, tín dụng ngoại tệ tăng 10,51%, trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 0,68%. Điều này cho thấy, tín dụng chỉ tăng ở khu vực xuất khẩu và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn tín dụng ở khối sản xuất trong nước gần như không tăng trưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, nên tín dụng đóng băng không có gì là khó hiểu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng và khả năng phục hồi của nền kinh tế như hiện nay, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cả năm là rất khó.

Ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thừa nhận, 2 năm nay, vốn hầu như không bơm ra được nền kinh tế. “Chúng tôi mong tiêu thụ được vốn, vì huy động mà không cho vay được, thì ngân hàng cũng rất sốt ruột”, ông Hiệp nói và cho biết, tăng trưởng tín dụng của BIDV mới đạt khoảng 3% trong 6 tháng đầu năm.

Thừa nhận tín dụng tăng trưởng thấp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, sức cầu của nền kinh tế quá yếu, cơ chế chính sách về phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, xử lý nợ xấu chậm… là những nguyên nhân chính. Do đó, để đẩy tín dụng ra nền kinh tế, cần có sự phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong lĩnh vực ngân hàng, cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế liên quan đến bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản…, thì tín dụng mới được khơi thông.

Tăng kích cầu, đổi mới cho vay

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng cầu suy yếu là nguyên nhân khiến tín dụng đóng băng. Do đó, cơ quan này cho rằng, Chính phủ cần chuyển sang hỗ trợ tổng cầu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm.

Trong khi đó, báo cáo của HSBC phát hành ngày 2/7 lại cho rằng, nợ xấu chậm được xử lý là nguyên nhân chính khiến ngân hàng khó cho vay.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì và In nông nghiệp cho rằng, hiện không phải doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, mà nhiều doanh nghiệp không vay được vốn do ngân hàng siết tín dụng. “Dường như kinh tế khó khăn càng khiến ngân hàng co hẹp cho vay, vì sợ mất vốn”, ông Nam nhận xét.

Trong bối cảnh cầu thấp, vay vốn khó như hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế vay vốn mới, nếu không tín dụng sẽ không có đường ra. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần có những chính sách thiết thực hơn.

“Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ phải vào cuộc giúp đỡ doanh nghiệp thực sự, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng chiếm tới 98% số doanh nghiệp ở nước ta và cũng là đối tượng đang bị tổn thương mạnh nhất do khủng hoảng. Điều quan trọng nhất, phải tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện quỹ này đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ thấp, các doanh nghiệp nộp hồ sơ xét duyệt đã rất khó khăn, lại phải qua thêm cửa ngân hàng nữa, nên không hiệu quả. Để cơ chế cho vay bảo lãnh có hiệu quả, Chính phủ phải bỏ tiền, chấp nhận mất một lượng vốn nào đó, coi như chi phí công, để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Còn nếu cứ yêu cầu quỹ bảo lãnh không được mất vốn như hiện nay, thì sẽ rất khó triển khai”, ông Hiếu đề xuất.

Cũng theo chuyên gia này, cùng với đổi mới cơ chế cho vay, đặc biệt là cơ chế bảo lãnh để thúc đẩy tín dụng, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để kích cầu.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục