Lợi nhuận ngân hàng: Áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp

(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí âm, khiến nguồn thu của các ngân hàng từ hoạt động này giảm dần, trong khi chi phí đầu vào khó có thể cắt giảm thêm.
Lợi nhuận ngân hàng: Áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp

> Lợi nhuận ngân hàng 2013, nhiều đòi hỏi…

> Hé lộ bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I/2013  

Tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm được nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ cải thiện so với nửa đầu năm nay, nhưng biên độ lợi nhuận tín dụng sẽ thu hẹp, do phải cạnh tranh bằng cách giảm lãi suất. Phó giám đốc một ngân hàng thừa nhận, điều đó đang xảy ra trên thực tế của hoạt động ngân hàng. Để bù đắp cho biên lợi nhuận tín dụng giảm, các ngân hàng đã và đang quyết liệt cắt giảm chi phí hết mức có thể, bao gồm việc tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ hơn.

Lợi nhuận ngân hàng: Áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp ảnh 1Hiện nguồn thu từ hoạt động tín dụng chỉ còn chiếm 60 - 65% tổng thu nhập của ngân hàng

 

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank cho biết, mặc dù không gặp quá nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nhưng việc giảm lãi suất, bao gồm lãi suất liên ngân hàng, đã ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận của Ngân hàng. Theo ông Chong, lãi suất cho vay hiện cũng được MeKongBank từng bước cắt giảm để có thể kích thích dòng chảy tín dụng. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng của MeKong Bank hiện cũng chỉ cao hơn chút ít so với mức trung bình của ngành (3,31%).

Là một trong những nhà băng lớn, có thế mạnh về tài trợ xuất, nhập khẩu, song tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay của Eximbank chưa vượt qua mức 1%. Mức tăng trưởng kế hoạch 12% của cả năm gần như đã ở ngoài tầm với của Ngân hàng. Cùng với đó, mục tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng năm 2013 ngày càng thêm áp lực (sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thực hiện của Eximbank chưa được 50% kế hoạch).

Khả dĩ như Sacombank khi Ngân hàng đã đạt gần 52% kế hoạch lợi nhuận năm trong 6 tháng đầu, song lãnh đạo ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt với khả năng hoàn thành mục tiêu 2.800 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Ngân hàng với thiên hướng bán lẻ này đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 11% trong 2 quý đầu năm và đang xin NHNN tăng “room” lên 20%.

Theo báo cáo của NHNN mới đây, chênh lệch giữa thu nhập so với chi lũy kế 5 tháng đầu năm 2013 của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 18.200 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ các năm, trong đó có 24 đơn vị thua lỗ. 100 tổ chức tín dụng còn lại báo cáo có lãi, nhưng 57 đơn vị trong số này giảm lãi so với cùng kỳ các năm trước. Theo NHNN, nếu không thực hiện theo Quyết định 780, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14.400 tỷ đồng dự phòng rủi ro, khi đó, chênh lệch thu chi của toàn hệ thống chỉ còn 3.800 tỷ đồng.

Xu hướng phát triển tín dụng của các ngân hàng trong năm nay là tăng cường phát triển các dịch vụ đi kèm. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, hoạt động của các ngân hàng không đơn thuần chỉ có tín dụng mà còn nhiều dịch vụ khác như thanh toán xuất, nhập khẩu, dịch vụ thẻ… Thời gian qua, khi tăng trưởng dư nợ khó khăn, các ngân hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ này để có thể có thêm nguồn thu, bù đắp phần nào sự suy giảm từ tín dụng.

“Hiện nguồn thu từ hoạt động tín dụng chỉ còn chiếm 60 - 65% trong tổng thu nhập của ngân hàng, thay vì 70 - 80% trước đây”, ông Minh nói.

Trên thực tế, tín dụng ngân hàng đang gặp khó khăn khi tồn kho của doanh nghiệp chưa giảm. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, qua làm việc với các doanh nghiệp, ông nhận thấy, niềm tin của doanh nhiệp đã phần nào được cũng cố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng đầu tư trung hạn. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng coi trọng an toàn tài chính hơn biên lợi nhuận. “Họ có thể sẵn sàng chiết khấu hoa hồng cao hơn cho các đại lý để thu hồi vốn nhanh hơn”, vị này nói.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục