Giảm lãi suất: Có điều kiện nhưng chưa đủ

(ĐTCK) Lãi suất giảm, tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng, tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng chủ động trong việc cân đối nguồn và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng vốn kỳ hạn trung và dài. Tuy nhiên, để giảm thêm lãi suất là không dễ dàng đối với ngân hàng, cho dù lạm phát được kỳ vọng sẽ được kiểm soát dưới 5% trong năm nay.
Giảm lãi suất: Có điều kiện nhưng chưa đủ

ACB, HDBank, OCB cho hay, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng này tương đối tốt trong 5 tháng đầu năm nay. Tại OCB, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc, tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng đạt trên 10%. Sacombank cũng cho biết, tăng trưởng huy động gần nửa đầu năm nay vẫn khá tốt, đạt trên 10%. Lãi suất huy động vốn của Sacombank hiện được áp dụng theo mặt bằng chung của thị trường, 5 - 6%/năm đối với kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống và 6 - 7,5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cho biết, thanh khoản của Ngân hàng hiện nay khá tốt. Nguồn vốn khả dụng dôi dư là điều kiện tốt để Ngân hàng xem xét giảm chi phí đầu vào, hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cho đến khi cắt giảm lãi suất huy động, Ngân hàng sẽ phải cân nhắc. Thực tế, lãi suất ngân hàng đã giảm khá mạnh thời gian qua, nên khó giảm sâu thêm.

Còn theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank, nguồn huy động của Ngân hàng hiện vẫn dồi dào, cho dù lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm dần thời gian qua. Tại NamA Bank, tăng trưởng huy động 5 tháng đầu năm nay khoảng 10%. Song theo lãnh đạo NamA Bank, để điều chỉnh giảm thêm lãi suất, Ngân hàng sẽ phải cân nhắc thêm, chủ yếu dựa vào tình hình lạm phát và các chỉ số kinh tế vĩ mô, chứ không chỉ dựa vào tình hình tăng trưởng tín dụng thấp. Vì thực tế, lãi suất không còn là yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp trong việc vay vốn.

Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết, đến ngày 23/5, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống đã tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân; thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Đến cuối tháng 5/2014, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn TP. HCM ước đạt 1.175.700 tỷ đồng, tăng 0,42% so cuối năm 2013 và tăng 10,8% so cùng kỳ. Trong đó, huy động vốn bằng nội tệ đạt 1.004.000 tỷ đồng, chiếm 85,4% tổng huy động, tăng 2,07% so cuối năm 2013; huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 171.700 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng huy động, giảm 8,29% so cuối năm 2013. Việc tăng trưởng tín dụng bằng nội tệ chiếm phần ưu thế được xem là một dấu hiệu tích cực.

Hiện lãi suất huy động của TCTD phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 5,5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 - dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng có lãi suất 7,5 - 8,3%/năm. Đường cong lãi suất được hình thành trở lại, vốn huy động dài ngày tăng dần so với trước đây.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, lãi suất tiết kiệm giảm chưa hẳn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác, nhất là trong điều kiện chứng khoán, bất động sản, vàng chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ giảm thêm. Bài toán giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ được NHNN cân nhắc dựa trên diễn biến của lạm phát.

Lãi suất tiết kiệm giảm đã giúp các ngân hàng có điều kiện giảm chi phí. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh - doanh hiệu quả được hưởng lãi suất chỉ 6 - 7%/năm.

Thế nhưng, trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, cửa ra của tín dụng ngày càng hẹp. Sức hấp thu vốn của nền kinh tế hiện còn yếu. Thực tế, các NHTM đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, không chỉ với lĩnh vực bất động sản, song tín dụng vẫn tăng rất chậm.

Cụ thể, tín dụng của các TCTD trên địa bàn TP. HCM tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 1,27% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 23/5 chỉ đạt 1,31% so với cuối năm 2013.

Theo các chuyên gia tiền tệ, cái khó nhất với các ngân hàng là không thể mạnh tay cắt giảm lãi suất huy động để giảm chi phí, dù tín dụng không tăng. Các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh huy động, đảm bảo thanh khoản.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục