Để đạt được mục tiêu này ngay từ quý 1 đầu năm, ngành ngân hàng đã bắt tay vào việc khơi thông dòng chảy vốn, từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Điển hình như chương trình kết nối cung – cầu vốn trên địa bàn TP.HCM và sẽ nhân rộng ra cả nước.
Trong năm qua, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã kết nối với doanh nghiệp triển khai chương trình cho vay ưu đãi, với 13.000 tỷ đồng và giải ngân được khoảng 90% thì năm nay Thống đốc Bình đề nghị, nguồn vốn được giải ngân cho chương trình này phải gấp đôi hoặc nhất phải là 20.000 tỷ đồng.
Đồng thời, không chỉ có các chi nhánh ngân hàng địa bàn TP.HCM mà NHNN sẽ có chỉ đạo các hội sở của ngân hàng, nhất là khối cổ phần quốc doanh tham gia triển khai chương trình kết nối cung – cầu vốn, ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, trước mắt sẽ là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng. Đặc biệt, trong chương trình này, lãi suất cho vay ưu đãi sẽ không quá 9%/năm. Nhưng riêng với cho vay bình ổn thị trường, Thống đốc Bình khuyến khích các ngân hàng giảm thêm so với mức 6%/năm hiện nay.
“Mức lãi suất cho vay bình ổn hiện nay 6%/năm mà một số ngân hàng đang triển khai đã là thấp, nhưng với diễn biến của lạm phát dần ổn định ở mưc thấp tôi đề ghị các NHTM xem xét để giảm thêm ít nhất là khoảng 0,5%/năm và có thể xuống mức thấp nhất 5%/năm vào cuối năm nay đối với khách hàng doanh nghiệp”, ông Bình nói. Còn đối với lãi suất cho vay ưu đãi cũng sẽ giảm dần xuống còn 7-8%/năm trong thời gian tới khi điều kiện thị trường cho phép, thay vì dao động 8- 9%/năm hiện nay.
Mặt bằng lãi suất cho vay chung trong năm nay được Thống đốc Bình cho biết, sẽ giảm thêm ít nhất 1 -2%/năm. Nhưng với lãi suất huy động khả năng sẽ giữ như hiện nay.
Tại hội thảo sáng nay, một số ngân hàng đã tiến hàng ký hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp. Trong đó, có Sacombank, với tổng hạn mức tín dụng 290 tỷ đồng, nhưng dành riêng 40 tỷ đồng cho vay bình ổn lãi suất 6%/năm; Agribank ký gói tín dụng 175 tỷ đồng; VietinBank là 170 tỷ đồng và Vietcombank ký giải ngân gói 165 tỷ đồng.