Còn dư địa cho lãi suất cho vay giảm thêm 1-2%/năm?

(ĐTCK) Thông điệp điều hành lãi suất trong năm 2014 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát đi mới đây là duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức hiện nay và nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1-2%/năm.
Còn dư địa cho lãi suất cho vay giảm thêm 1-2%/năm?

có phải giữ quan điểm thực dương?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động sẽ khó giảm, do áp lực kiềm chế lạm phát năm 2014 vẫn là khá lớn. Áp lực lạm phát lớn nhất xuất phát từ việc nới trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, để đẩy mạnh đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%. Bên cạnh đó, lạm phát còn chịu sức ép không nhỏ từ lộ trình thị trường hóa các mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ việc tổng cầu hồi phục...

Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường số tháng 1/2014 của Khối Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra nhận định, lạm phát đã tăng tốc trong tháng 12 lên 6,6%, từ mức 5,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, do giá cả vận chuyển và thực phẩm tăng mạnh. Bộ Tài chính cũng đã cho phép các nhà bán lẻ tăng giá gas và xăng dầu, HSBC kỳ vọng năm 2014 giá cả sẽ còn tăng thêm đối với các mặt hàng năng lượng như điện và xăng dầu. Lạm phát năm 2014 dự kiến sẽ tăng khoảng 7,9% và NHNN đang có cơ sở để giữ mức lãi suất ổn định trong quý I.

“Ngay cả khi kiểm soát lạm phát ở mức 7% như mục tiêu đã đề ra thì dư địa hạ lãi suất hầu như không còn, bởi lãi suất vẫn phải đảm bảo thực dương mới hấp dẫn người gửi tiền”, vị chuyên gia trên nhận định.

Phó tổng giám đốc một NHTM có gốc quốc doanh phân tích: “Thông điệp của Thống đốc để người dân xác định tỷ lệ lạm phát sẽ không cao nữa, nên lãi suất huy động không thể tăng nữa”.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, vẫn còn dư địa để hạ lãi suất huy động. Hiện lãi suất đang ở mức 7%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng và nếu lạm phát năm 2014 tăng lên 7% thì vẫn có thể hạ xuống 6%/năm, lãi suất thực âm là 1%/năm.

“Nhiều nền kinh tế cũng có lãi suất thực âm, thành ra không bắt buộc luôn thực dương, trong khi thị trường vàng xuống giá và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng tốt nhưng không phải người dân nào cũng có thể tham gia”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay khó hạ!

Liên quan đến vấn đề hạ lãi suất cho vay cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, lãi suất cho vay có thể hạ thêm như dự báo của Thống đốc nếu các TCTD cơ cấu lại hoạt động, để tiết giảm tối đa chi phí, đặc biệt là xử lý tốt nợ xấu. Nợ xấu lớn đã “đóng băng” một lượng vốn không nhỏ của các TCTD, chưa kể họ còn phải trích lập một khoản dự phòng rủi ro khá lớn cho lượng nợ xấu này. Hệ quả là chi phí vốn bị đẩy lên, khiến lãi suất cho vay khó hạ. Bởi vậy, nếu xử lý tốt vấn đề nợ xấu sẽ khiến lãi suất cho vay giảm thêm dù không cần hạ lãi suất huy động.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hạ tiếp lãi suất cũng khó. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng hiện nay hết sức nhỏ bé, chỉ khoảng 3%. Nếu lãi suất cho vay giảm tiếp, tỷ lệ này sẽ càng bé nhỏ.

“Tuy nhiên, tuyên bố trên của Thống đốc không chỉ đơn thuần là việc hạ lãi suất mà các ngân hàng không để nợ xấu bị tăng lên; đồng thời, phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, công tác quản trị điều hành hiệu quả hơn”, TS. Lực nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cũng cảnh báo, thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN sẽ khó có thể lùi thêm và khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, nợ xấu sẽ tăng lên do những quy định về phân loại nợ theo thông tư này khắt khe hơn rất nhiều. Vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có cơ hội hạ thêm.        

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục