Chính phủ “sốt ruột” với tiến độ cổ phần hóa

(ĐTCK) “Tuy sốt ruột với tiến độ cổ phần hóa (CPH) đang diễn ra chậm, nhưng Chính phủ chỉ đạo cùng với đẩy nhanh tiến độ, việc thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 432 DN giai đoạn 2014 - 2015 cần triển khai theo hướng chặt chẽ, không vì vội vàng mà dẫn đến những sai lầm…”.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm được đánh giá còn khá thấp Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm được đánh giá còn khá thấp
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, diễn ra chiều 1/7.

CPH sẽ về đích đúng hạn

Theo cập nhật của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm nay, cả nước mới CPH được 17 DN. Đây là con số quá khiêm tốn so với kế hoạch CPH xong khoảng 163 DN trong năm nay, qua đó hoàn thành mục tiêu CPH tới 432 DN từ nay đến hết năm 2015.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, Chính phủ đã nghe đại diện Bộ Tài chính trình bày báo cáo về thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, cũng như sử dụng số vốn thu được từ quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN vào các mục đích sao cho đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất trong bối cảnh nền kinh tế, hoạt động của DN đang đối mặt với không ít khó khăn.

“Tuy tiến độ CPH các DNNN diễn ra khá chậm từ đầu năm đến nay, nhưng Chính phủ đang thể hiện quyết tâm đảm bảo đưa kế hoạch CPH 432 DN về đích đúng hẹn là vào cuối năm 2015…”, ông Nên khẳng định và cho biết thêm, để hoàn thành mục tiêu đầy thách thức này, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan một mặt tập trung hoàn thiện cơ chế, mặt khác tăng cường tổ chức, chỉ đạo, thúc đẩy việc tổ chức triển khai các phương án CPH đã được phê duyệt theo tinh thần nhanh, đảm bảo đúng tiến độ. Tuy nhiên, không vì thế mà dẫn đến các thiếu sót gây tác động tiêu cực đến tài sản nhà nước, cũng như nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động của các DN sau CPH.

“Khắc phục tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp”

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, khi thừa nhận 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là sức cầu của nền kinh tế còn yếu. Để tăng trưởng tín dụng đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp chính sách về tài khóa, cơ chế phát triển DN, chính sách xử lý tài sản thế chấp… Thế nhưng, sự phối hợp này hiện còn không ít hạn chế, nên tác động không tích cực đến nỗ lực tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, ngành ngân hàng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để thực hiện thành công chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm nay bằng các giải pháp: tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Cùng với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng về lượng, thì yếu tố chất lượng tín dụng đang được ngành ngân hàng quan tâm đặc biệt, để tránh phát sinh nợ xấu mới…

“Cú húych” đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Liên quan đến câu hỏi của báo giới về những giải pháp giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, không phải khi Trung Quốc hạ đăt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu mới được đặt ra. Tuy nhiên, đúng là sự kiện này đã trở thành “cú huých” thúc đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, đến nay ngoài đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng như TPP, hiệp định tự do thương mại với EU… Qua đó, sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa hơn các thị trường xuất nhập khẩu.     

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục