MobiFone lại bị nghi ngờ về tiến độ cổ phần hóa

Một số doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang chịu nhiều áp lực và vướng mắc trong cổ phần hóa, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
MobiFone lại bị nghi ngờ về tiến độ cổ phần hóa

Sau hơn một tháng có quyết định tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và sẽ tiến hành cổ phần hóa, MobiFone “nhận lệnh” xây dựng, hoàn thiện phương án cổ phần hóa ngay trong năm 2014 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Với việc Chính phủ quyết định không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 62 công ty cổ phần của VNPT và hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 cho MobiFone, đơn vị này sẽ “nhẹ gánh, đi nhanh” hơn trong việc cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ.

Các chuyên gia ngành viễn thông cũng cho rằng, với quyết định trên của Chính phủ, việc cổ phần hóa MobiFone chắc chắn sẽ được đẩy nhanh. Hơn nữa, các bước chuẩn bị cho việc cổ phần hóa MobiFone đã được tiến hành trước đó, MobiFone có thể chỉ cần khởi động lại, chứ không mất nhiều thời gian như đối với những doanh nghiệp lần đầu có quyết định cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, thời hạn để cổ phần hóa MobiFone là quá áp lực, khi đến nay, các vấn đề mấu chốt cho hoạt động cổ phần hóa của MobiFone, như định giá, sắp xếp nhân sự sau khi tách khỏi VNPT, được phép bán bao nhiêu phần trăm sở hữu ra ngoài… vẫn chưa có quy định rõ ràng.

Riêng tỷ lệ cổ phần hóa, theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), theo cam kết gia nhập WTO, doanh nghiệp nước ngoài có thể chiếm đến 49% cổ phần trong các doanh nghiệp hạ tầng, mà viễn thông cũng là hạ tầng. Mặc dù vậy, việc lĩnh vực viễn thông được cổ phần hóa bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, dự kiến giữa năm 2016, TPP mới có thể kết thúc đàm phán. Nếu phải chờ hiệp định này, các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin sẽ “lỡ chuyến tàu cổ phần hóa”.

Giống MobiFone, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cũng đang vướng cổ phần hóa do kinh doanh trong lĩnh vực có điều kiện. Điểm chung của hai doanh nghiệp này là đều ăn nên làm ra và đang được các đối tác nước ngoài “dòm ngó”. Nhưng dường như càng được chú ý thì việc cổ phần hóa của họ càng khó khăn.

SCTV, liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), một trong ít đơn vị 100% vốn nhà nước hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, cũng đang gặp rất nhiều áp lực với yêu cầu cổ phần hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV cho biết, dự kiến đến năm 2015, SCTV sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa. Lúc đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong SCTV sẽ giảm đi và sẽ có sự tham gia của các đối tác tiềm năng về tài chính, công nghệ, nội dung.

Tuy nhiên, theo ông Úy, do SCTV là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện, nên việc được phép cổ phần hóa bao nhiêu, bán tỷ lệ bao nhiêu ra ngoài “vẫn đang phải xin”. SCTV đang lập đề án xin chuyển đổi và phải chờ phê duyệt.

Gần 10 năm trước, khi MobiFone được phép cổ phần hóa, ông Lê Ngọc Minh, lúc đó là Giám đốc Công ty MobiFone đã nhận định rằng, kinh doanh di động là loại hình dịch vụ được coi là khá nhạy cảm, nên việc cổ phần hóa sẽ khó khăn hơn so với các doanh nghiệp khác.

Đúng như dự đoán của ông Minh, hơn 3 năm sau khi có quyết định cổ phần hóa, năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone mới hoàn thành định giá sơ bộ giá trị của nhà mạng di động này là khoảng 2 tỷ USD. Hiện tại, ông Minh lại bắt đầu công việc của 10 năm trước, định giá MobiFone để cổ phần hóa.

Rõ ràng, những doanh nghiệp như MobiFone có kịp “chuyến tàu cổ phần hóa” vào năm 2015 hay không vẫn còn là một ẩn số.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục