MobiFone còn gì sau khi ở riêng?

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thôngnghiêng về phương án tách MobiFone khỏi VNPT. Dự thảo lần cuối Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã đề xuất phương án tách MobiFone khỏi VNPT, nhập về Bộ Thông tin và Truyền thông và trở thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
MobiFone còn gì sau khi ở riêng?

Cụ thể, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone sẽ được điều chuyển từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức lại thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, MobiFone sẽ gánh nhiệm vụ tiếp quản hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 và Công ty Tài chính Bưu điện - ba đơn vị thua lỗ lớn nhất của VNPT tại thời điểm này.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mà VNPT tham gia góp vốn cũng sẽ được chuyển về MobiFone để thực hiện thoái vốn theo quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp trong số này là SACOM, SPT, Vinacap, VNPT Epay, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2….

Còn VNPT sẽ tái cấu trúc một số đơn vị thành viên thành các tổng công ty quản lý 3 lĩnh vực chính là hạ tầng mạng, dịch vụ viễn thông và truyền thông. Đó là Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-NET) quản lý hạ tầng mạng viễn thông của VNPT; Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) thực hiện chức năng quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông thống nhất trong toàn tập đoàn VNPT và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) thực hiện chức năng kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tin và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Ông Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, phương án cuối cùng của Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn VNPT đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ vào tháng 9/2013. Dự kiến, trong quý I/2014 này, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, phương án tách MobiFone khỏi VNPT là phương án tốt nhất và cũng là phương án được Bộ lựa chọn, vì nhà mạng này có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh trong làng viễn thông Việt Nam và khu vực. Nếu cổ phần hoá, MobiFone cũng là thương hiệu có giá trị nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư nhất trong các công ty thành viên của VNPT.

Trong khi đó, nếu cổ phần hóa VinaPhone, sẽ có nhiều khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp, bởi đây vốn là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, tài sản vốn có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT địa phương. Bên cạnh đó, VinPhone cũng chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động kinh doanh độc lập, chưa từng quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh, toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ cũng dựa vào lực lượng và cơ sở vật chất của các VNPT tỉnh, thành phố là chủ yếu.

Đồng tình với quan điểm tác MobiFone và sau đó cổ phần hóa, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) phân tích rằng, việc tách MobiFone khỏi VNPT là tốt cho thị trường viễn thông, bởi với hiện trạng hiện nay là cả 3 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành viễn thông Việt Nam đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì đó chưa phải là một thị trường lành mạnh.

Theo ông Trực, một thị trường viễn thông tốt nhất thì chỉ cần một doanh nghiệp của Nhà nước, còn hai hoặc ba doanh nghiệp khác thì Nhà nước chỉ cần có cổ phần, lúc đấy thị trường mới cạnh tranh lành mạnh, mới đua nhau về năng suất, năng lực thực sự.

 “Nếu tách MobiFone, thì trong một vài năm trước mắt, VNPT sẽ có nhiều khó khăn về mặt tài chính hơn so với phương án tách Vinaphone. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu tổ chức tốt, những khó khăn này sẽ được giải quyết. Do vậy, VNPT không phải quá ‘hốt hoảng’ khi tách MobiFone ra”, ông Trực cho biết.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của MobiFone, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT là để đảm bảo có doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với VNPT và Viettel, đồng thời cũng là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa MobiFone. Khi cổ phần hóa MobiFone, Nhà nước sẽ nắm 75%, còn lại sẽ kêu gọi đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, thị trường viễn thông Việt Nam đang hình thành thế chân kiềng của 3 nhà mạng Viettel - MobiFone - VinaPhone. Các nhà mạng còn lại chiếm thị phần rất nhỏ là Vietnammobile có lượng thuê bao khiêm tốn, Gmobile đang gặp rất nhiều khó khăn, còn S-Fone đã chết lâm sàng. Chính vì vậy, số phận của MobiFone và VinaPhone sẽ ảnh hưởng lớn và sâu rộng không chỉ đối với thị trường viễn thông, mà tới cả nền kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Hữu Tuấn (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục