Quỹ này đang dần thanh lý các khoản đầu tư để kịp đóng quỹ đúng thời hạn. Việc PENM II đăng ký bán hàng triệu cổ phiếu HPG trong tổng số hơn 20 triệu cổ phiếu HPG mà tổ chức này đang sở hữu là một trong những động thái đó. Tuy nhiên, Tập đoàn Hòa Phát xác nhận, Bank Invest đã đề nghị tiếp tục đầu tư vào Hòa Phát khi một quỹ thứ ba đang được xúc tiến thành lập sau khi PENM I và II đến thời hạn đóng quỹ.
PENM II đầu tư vào Hòa Phát từ năm 2008, khi mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu với giá 64.000 đồng/CP, trong đợt phát hành riêng lẻ của tập đoàn này. Không may sau đó, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn suy thoái do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và lạm phát trong nước. Giá cổ phiếu của HPG vào cuối năm đó chỉ còn khoảng 30.000 đồng/CP. Tuy nhiên, PENM II không bán ra mà tiếp tục nắm giữ số cổ phiếu ban đầu. Cho đến tháng 4/2014, PENM II đã nhận cổ tức bằng tiền mặt của HPG chi trả với 6 lần tỷ lệ 10%, 1 lần tỷ lệ 20% và một lần tỷ lệ 15%, tương đương 139 tỷ đồng.
Nhưng việc chia cổ phiếu thưởng và chia cổ tức bằng cổ phiếu của HPG mới thực sự đem lại lãi khủng cho PENM II. Kể từ năm 2008 đến nay, HPG lần lượt chia cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu với các tỷ lệ 40%, 50%, 10%, 20% và 15%. Do vậy, số cổ phiếu HPG mà quỹ của PENM II sở hữu tăng lên hơn 23 triệu đơn vị vào năm 2014. Giá cổ phiếu HPG giảm sau mỗi lần chia tách, rồi lại tăng vọt lên mức cũ và hiện đang ở mức 56.500 đồng/CP (giá tham khảo ngày 14/10/2014), khiến cho giá trị của khoản đầu tư cũng “nở” ra theo.
Như vậy, ước tính cả cổ tức bằng tiền mặt được nhận, giá trị cổ phiếu đã bán và giá trị cổ phiếu còn lại của khoản đầu tư của PENM II vào Hòa Phát tại thời điểm này lên tới 1.400 tỷ đồng. Trừ đi số số vốn đầu tư ban đầu là 468,6 tỷ đồng thì PENM II đã lãi ròng hơn 930 tỷ đồng trong hơn 6 năm đầu tư vào Hòa Phát. Tỷ suất sinh lời bình quân mỗi năm khoảng 32%.
Đương nhiên, với mục tiêu đóng quỹ, PENM II còn tiếp tục đăng ký bán HPG. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử 8 lần đăng ký bán từ đầu năm 2014 đến nay, có thể thấy, quỹ này không bán bằng mọi giá. Đăng ký bán 2 hoặc 3 triệu cổ phiếu nhưng Quỹ chỉ bán khi đạt giá mục tiêu. Vì thế, nhiều lần PENM II chỉ bán được vài chục hoặc vài trăm cổ phiếu. Quỹ này cũng không vội vàng gì trong việc bán, bởi có đến hơn 2 năm để chuẩn bị cho việc đóng quỹ, trong khi danh mục còn lại của quỹ này chỉ còn 2 khoản đầu tư là HPG và MSN.
Tham gia vào HPG sau Bank Invest, nhưng Red River Holding lại khá mạnh tay trong đầu tư và với phong cách đầu tư mua vào ở đáy của khủng hoảng và bán khi kinh tế phục hồi, thị trường hưng phấn thì tỷ suất lợi nhuận mà Red River Holding thu được cũng không phải là nhỏ. Năm 2012 -2013, giai đoạn khủng hoảng nhất của thị trường chứng khoán, Red River Holding sở hữu đến 16,5 triệu cổ phiếu HPG.
Thời điểm này, giá HPG có lúc xuống 26.300 đồng/CP. Năm nay, sau khi nhận chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu, Red River Holding cũng đang dần hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư của mình, bắt đầu giảm sở hữu HPG khi cổ phiếu này ở vùng giá gần 45.000 đồng/CP trở lên.
HPG nằm trong số không nhiều cổ phiếu mang lại cho nhà đầu tư dài hạn tỷ suất sinh lời cao trong nhiều năm. Red River Holding với trường phái đầu tư táo bạo của mình cũng đã thắng lớn khi đầu tư vào Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Khi HSG đứng trước tin đồn phá sản và giá cổ phiếu có lúc xuống gần mệnh giá trong giai đoạn 2012- 2013, Red River đã liên tiếp đăng ký mua vào HSG cho đến khi HSG tăng giá trở lại hơn 30.000 đồng/CP.
Tổ chức này vẫn tiếp tục mua gom HSG và hiện đang nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 17,05% cổ phiếu lưu hành của HSG. Red River Holding có lẽ cũng bắt đầu cơ cấu tỷ trọng cổ phiếu HSG trong danh mục đầu tư khi đạt lợi nhuận kỳ vọng khi đăng ký bán ra HSG.
Nhìn vào thành tích đầu tư dài hạn của các quỹ và động thái tiếp tục đầu tư của họ ở thời điểm này, có thể kỳ vọng, chu kỳ đầu tư dài hạn dựa trên tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn tiếp tục được nối dài.