Gay cấn cuộc chiến giành thị phần
Ngành bánh kẹo Việt những năm gần đây được đánh giá tăng trưởng chậm lại. Hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt khoảng 8-10%, thay vì 15-20% trong giai đoạn trước năm 2015 và 35% của giai đoạn 2006-2010.
Tuy nhiên, trong con mắt các nhà đầu tư ngoại, thị trường 90 triệu dân của Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn, bởi so với tốc độ tăng trưởng trung bình ngành bánh kẹo trên thế giới khoảng 1,5% và riêng Đông Nam Á là 3% (theo thống kê của CTCK Vietinbank), thì mức tăng trưởng bánh kẹo của Việt Nam vẫn cao.
Bằng chứng là Lotte - một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, liên tục đẩy mạnh mở rộng thị phần tại Việt Nam. Hay Mondelez International - tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, cũng đã bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để mua lại 80% mảng bánh kẹo của Công ty Kinh đô (Kido) và còn có ý định tiếp tục mua 20% thị phần còn lại.
Việc chính thức bước chân vào thị trường bánh kẹo Việt Nam của vị đại gia ngoại có vốn hóa thị trường gần 64 tỷ USD này góp phần đẩy cuộc chiến giữ thị phần bánh kẹo Việt ngày một khốc liệt. Cùng các sản phẩm làm nên tên tuổi của Mondelez tại hơn 160 quốc gia như bánh quy Oreo, LU và Nabisco; Cadbury, Cadbury Dairy Milk và Milka Chocolate; kẹo gum Trident; Jacobs Coffee hòa tan…, sẽ có thêm những sản phẩm được sản xuất từ thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo phân tích của CTCK Vietinbank, năm 2014, thị phần của Kido trong mảng bánh kẹo là 19%, Bibica 4%, Hải Hà 5%, Hữu Nghị 2%, nhập khẩu là 20%, còn lại 49% thuộc về các doanh nghiệp khác, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại. Khi Kido bán mảng bánh kẹo, áp lực giữ thị phần dồn về những doanh nghiệp nội khác.
Theo như chia sẻ của ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, là người gắn bó với ngành bánh kẹo gần 30 năm qua, gìn giữ thương hiệu bánh kẹo Việt là điều mà ông luôn đau đáu. Ông Chiến cho rằng, mỗi quốc gia đều cần một thương hiệu nội địa để tự hào và lấy đó làm bàn đạp cạnh tranh với thương hiệu toàn cầu.
Trước đó, Bibica cũng nằm trong "tầm ngắm" của nhiều doanh nghiệp ngoại. Thương vụ "tay ba" giữa Lotte - Bibica - PAN Group từng là câu chuyện "hot" trên thị trường thời gian qua. Năm 2008, Lotte mua hơn 30% cổ phần Bibica và tiếp tục nâng dần sở hữu với ý định thâu tóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tham vọng này của Lotte đã bị chặn lại khi PAN Group nhập cuộc trong năm 2015 và nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,07% vào năm 2017, qua đó trở thành cổ đông nắm quyền chi phối Bibica.
Theo kết quả nghiên cứu của BMI, doanh thu ngành bánh kẹo Việt năm 2014 là hơn 27.000 tỷ đồng và dự báo đến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,76 tỷ USD. Để phân chia miếng bánh "khủng" này, các doanh nghiệp nội và ngoại liên tục đưa ra những sản phẩm mới cùng chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ.
Đơn cử, sản phẩm bánh phủ socola của Công ty TNHH Thực phẩm Orion Việt Nam (Orion Vina) đã gặt hái thành công khi vừa hợp khẩu vị của người Việt, vừa có chiến dịch marketing bài bản. Thống kê năm 2016 cho thấy, riêng mảng này, Orion Vina đạt doanh thu hơn 174 triệu USD.
Không để đối thủ "một mình một ngựa", Công ty Phạm Nguyên tung ra sản phẩm bánh phủ socola mang thương hiệu Choco P&N và Phaner Pie, cạnh tranh bằng giá bán (thấp hơn đối thủ 25%) và hệ thống phân phối 12.000 điểm bán lẻ, căng tin các trường học… Công ty Phạm Nguyên cho biết, trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ hơn 17 triệu chiếc bánh.
Bibica lại "tham chiến" bằng sản phẩm bánh socola Mini Pie Orienko, ra mắt vào thị trường từ tháng 4/2017. Bibica đặt mục tiêu giành 20% thị phần từ mảng bánh phủ socola.
Bánh kẹo Việt nỗ lực tìm chỗ đứng
Mặc dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm ngoại nhập, nhưng một tín hiệu đáng mừng là trong 2 năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước đang dần quan tâm đến bánh kẹo nội nhiều hơn khi chất lượng ngày một nâng cao, mẫu mã đẹp không thua gì hàng ngoại và có chiến lược marketing tốt.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Hữu Minh, nhân viên ngân hàng cho biết, Tết năm nay, thay vì mua bánh Danisa nhập khẩu từ Đan Mạch, anh lựa chọn hộp bánh Goody của Bibica. Cùng với đó, anh cũng lựa chọn một số loại mứt mới như mứt vỏ cam Vinh, hồng sấy dẻo Đà Lạt… để thay cho đồ khô nhập khẩu khác.
Thực tế, thị trường bánh kẹo Việt mùa Tết năm nay cũng đang chứng kiến sự lên ngôi của nhiều sản phẩm thương hiệu Việt, đặc biệt là những sản phẩm bánh kẹo mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy, phát đạt… Trong đó, những sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc sản vùng miền như hồng dẻo đặc sản Đà Lạt, nho khô, thanh long sấy, mứt các loại… nhận được nhiều quan tâm của người tiêu dùng.
Trong khi bánh kẹo nhập khẩu vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng thời gian gần đây, tạo áp lực cho các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước. Giới chuyên gia nhận định, hiện tại, chất lượng, mẫu mã của bánh kẹo nội và ngoại đã không còn sự khác biệt lớn, mỗi loại đều có lợi thế riêng. Thị trường bánh kẹo Việt Nam vẫn rất sáng sủa và màu mỡ.
Theo Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cơ cấu các nhóm sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo. Cụ thể, đến năm 2020, ngành sản xuất bánh kẹo phấn đấu đạt sản lượng 2,2 triệu tấn, chiếm 40,43% trong tổng cơ cấu ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam.
Cơ hội đang chia đều cho tất cả. Doanh nghiệp nào chủ động thay đổi, có cách làm mới, có sản phẩm phù hợp khẩu vị người tiêu dùng và marketing tốt sẽ dành thắng lợi trong cuộc đua phân chia miếng bánh 40.000 tỷ đồng này.