Theo đó, trong quý này, HHC đạt tổng doanh thu thuần 203,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý III/2016, giá vốn hàng bán ở mức 160,72 tỷ đồng.
Qua đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 42,74 tỷ đồng, chỉ giảm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tuy tăng mạnh hơn 2 lần, nhưng cũng chỉ ở mức hơn 1,23 tỷ đồng, chủ yếu do tiền lãi cho vay.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng và cung cấp dịch vụ tổng cộng hơn 37,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của HHC đạt hơn 4,93 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HHC đạt 591,4 tỷ đồng doanh thu; 20,61 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lợi nhuận sau thuế ở mức 16,4 tỷ đồng, đều tăng vài % so với cùng kỳ.
Với kết quả này, HHC hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 60,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế “dự kiến” đề ra.
Trước đó, tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2017 của HHC, Hội đồng quản trị đã trình phương án sản xuất kinh doanh với 890 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức ở mức 15%.
Tuy nhiên, khi năm 2017 đã sắp kết thúc, nhưng Đại hội cổ đông thường niên của HHC đã 3 lần thất bại.
Theo đó, Đại hội gần nhất vào ngày 30/9 tiếp tục thất bại như 2 lần trước, do nhóm cổ đông sở hữu 8,5 tiệu cổ phiếu, chiếm 89,5% đã phủ quyết toàn bộ chương trình của Đại hội.
Trong năm nay, kể từ khi Vinataba thoái vốn toàn bộ vào thời điểm cuối tháng 3 với hơn 8,37 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 51% tại HHC và được một cá nhân là bà Nguyễn Thị Duyên gom mua toàn bộ, cổ phiếu HHC đã trở thành một điểm đáng chú ý trên thị trường với hàng loạt các giao dịch mua đi bán lại cổ phiếu vòng vèo.
Và rồi câu chuyện mẫu thuẫn giữa nhóm cổ đông mới và ban lãnh đạo hiện tại đã không thể hòa giải trong suốt cả năm.
Trong khoảng thời gian Vinataba thoái vốn vào cuối tháng 3/2017, cổ phiếu HHC đã từng có lúc tăng trần 4 phiên liên tiếp, leo một mạch mức 39.000 đồng/cp lên 52.800 đồng/cp.
Sau đó quay ngược lại vùng 41.000 – 45.000 đồng trước khi bật tăng trở lại, đạt tới đỉnh cao lịch sử niêm yết cổ phiếu này ở mức 60.000 đồng/cp tại phiên 30/6.
Nhưng mức giá này cũng chỉ giữ được 2 phiên, trước khi giằng co rồi lùi dần về ngưỡng 55.000 đồng/cp.
Cho đến thời điểm hiện tại, nắm hơn 11,78 triệu cổ phiếu HHC, tương đương 72% số lượng cổ phiếu đang lưu hành đang là 3 cá nhân không có chức vụ tại công ty bao gồm ông Lưu Văn Vũ, ông Vũ Hải và bà Trương Thị Bửu.
Banh lãnh đạo của HHC, chỉ có ông Trần Hồng Thanh, Tổng giám đốc đang giữ 4,15% tỷ lệ sở hữu là lớn nhất (ông Thanh vừa thông báo đăng ký mua thêm 150.000 cp HHC từ 20/10 đến 17/11). Các ông bà khác chỉ rơi vào khoảng hơn 50.000 cổ phiếu mỗi cá nhân.
Với HHC, điểm đáng chú ý hiện nay còn ở dự án 25-27 Trương Định, vốn trước kia là Nhà máy sản xuất cũ của Công ty, hiện nay vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch dự án mới tại đây.
Trước đó, vào tháng 7/2012, HHC đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án “Hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp đa chức năng tại 25-27 Trương Định, Hà Nội” với Liên danh Công ty cổ phần hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây lắp và phát triển nhà.
Tuy nhiên, dự án này không thực hiện theo đúng tiến độ và phải đổi nhà đầu tư.