Vô tư “chặt chém” khách hàng
Hiện để được giao xe trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi, với các mẫu như Ford Everest, khách hàng phải chịu chênh giá từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có đại lý còn “thương lượng” chênh tới 100-150 triệu đồng.
Với Ford Explorer, mức chênh giá từ 150-270 triệu đồng. Riêng Toyota Rush phải mua thêm bộ phụ kiện từ 50-60 triệu đồng, có nơi báo giá tới 118 triệu đồng. Toyota Fortuner phải mua bộ phụ kiện giá 100-120 triệu đồng. Với Honda CR-V cũng phải mua bộ phụ kiện giá từ 70-100 triệu đồng,...
Theo ước tính, chỉ với 10 mẫu xe ăn khách, đang thiếu hàng, năm 2018 người tiêu dùng phải chi ngoài hơn 1.000 tỷ đồng, để được nhận xe sớm. Toàn bộ số tiền này chui vào túi các ông chủ đại lý ô tô.
Ngoài ra, mỗi khi bán một chiếc xe mới, các đại lý cũng được DN ô tô chi trả tiền bảo dưỡng theo quy định - đây cũng là nguồn thu không nhỏ. Bên cạnh đó, các đại lý còn một nguồn lợi lớn nữa là từ dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng ô tô.
Như tại Savico, tăng trưởng từ dịch vụ mỗi năm tăng tối thiểu 20% về doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt, những đại lý bán ô tô Honda năm nay có lãi lớn do Honda Việt Nam xin được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ Thái Lan sớm nhất và nhập khẩu mẫu CR-V về nước, bán ra vào giữa năm, đẩy doanh số bán lên hơn 9.000 xe trong năm nay, tăng gấp đôi năm trước.
Điển hình, theo một số nguồn tin, chỉ riêng bán phụ tùng cũng đã đem lại khoản siêu lợi nhuận cho các hãng xe và đại lý bởi giá bán cao gấp 2-3 lần giá gốc.
Đấy là chưa kể phụ tùng mua rồi, thay thế còn bị tính tiền công cao ngất ngưởng. Nhiều dịch vụ tiền công được tính tới 40-50 USD, thậm chí còn cao hơn... Vì vậy, lợi nhuận từ kinh doanh bán lẻ ô tô và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa đang khá hấp dẫn.
Nếu bán được 1.000 xe mỗi năm và chỉ cần 50% số xe đó quay lại làm dịch vụ thì doanh thu và lợi nhuận thu về không hề nhỏ. Tuy nhiên, các ông chủ không thể đút túi hết toàn bộ số tiền này. Họ phải chi trả nhiều khoản như lãi vay vốn lưu động khi mua xe, lương nhân viên, phí quản lý, thuế, tiền thuê cửa hàng, khấu hao thiết bị, vốn đầu tư ban đầu, điện nước,...
Một nhân viên bán ô tô cho biết, thường lợi nhuận thu từ khoản sửa chữa, bảo dưỡng xe, thay thế phụ tùng đảm bảo chi trả cho tất cả hoạt động của đại lý, còn lợi nhuận bán xe được đồng nào, ông chủ bỏ túi đồng đó. Bán càng nhiều xe, giá “thương lượng” càng cao, càng nhanh giàu.
Các đại lý xe ô tô năm nay kẻ lãi lớn, người méo mặt.
Kẻ ăn đậm, người “méo mặt”
Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) qua báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 9.816 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 200 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tăng 73% và 70% so với cùng kỳ, vượt 14% kế hoạch năm. Savico cũng ước tính kết quả kinh doanh quý 4 sẽ đạt doanh thu vào khoảng 4.384 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 50 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Nhìn báo cáo tài chính của Savico có thể thấy, năm 2018 kinh doanh bán lẻ ô tô đã mang lại lợi nhuận” khủng” cho các ông chủ.
Hiện tại, các hãng xe thường chiết khấu lại cho đại lý bán lẻ của mình tỷ lệ từ 4-9% giá xe. Với những hãng xe có tên tuổi, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hàng năm có lượng tiêu thụ lớn, thì mức chiết khấu phổ biến từ 4-6%, còn những hãng xe kém tên tuổi, ít người mua, số lượng xe bán không nhiều, thì mức chiết khấu cao hơn, thường từ 7-9%.
Như vậy, nếu làm đại lý cho những hãng xe tên tuổi, cứ bán một chiếc xe giá 1 tỷ đồng sẽ thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Có thương hiệu ô tô FDI tại Việt Nam năm 2018 bán được 60.000 xe các loại, chia đều cho khoảng 50 đại lý trên toàn quốc, bình quân mỗi đại lý bán tới trên 1.000 xe/năm. Nhiều đại lý của hãng xe này tại các thành phố lớn có doanh số bán trên 1.500 xe thì khoản lợi nhuận thu về cũng lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đấy là chưa kể năm 2018 do nguồn cung khan hiếm, nên khả năng “thương lượng” giữa đại lý với các khách hàng rất tốt, nhất là với những mẫu xe nhập khẩu “hot”. Khách hàng phải chi thêm từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng chênh giá, hoặc mua bộ phụ kiện, giúp lợi nhuận bán lẻ ô tô tăng cao bất chấp doanh số bán giảm.
Tuy nhiên, điều này chỉ hoàn toàn đúng với các đại lý bán xe cho những thương hiệu tên tuổi, có nhiều sản phẩm ăn khách, được khách hàng ưa chuộng. Còn với những đại lý bán xe cho thương hiệu ít tên tuổi, doanh số thấp thì chưa hẳn đã đúng.
Ông chủ một đại lý bán xe hơi thương hiệu Nhật tại Hải Phòng kể, đầu tư cho đại lý bán hết hơn 20 tỷ đồng, trong đó hơn 10 tỷ là chi phí đầu tư mặt bằng nhà xưởng, còn khoảng 7 tỷ mua trang thiết bị. Trong đó riêng bộ logo treo tại đại lý, phải mua từ hãng với giá 24.000 USD.
Bộ bàn ghế lễ tân cũng phải mua theo chỉ định của họ với giá 600 triệu đồng, trong khi thuê đóng ngoài chỉ tầm 300 triệu. Một chiếc máy chẩn đoán, mua ngoài chất lượng tương đương chỉ 7.000 -8.000 USD thì mua theo chỉ định của hãng lên tới 24.000 USD, chưa kể hàng trăm thứ khác. Hãng xe không hỗ trợ bất cứ thứ gì.
Trong khi đó, doanh số bị ép bán tối thiểu 20 xe/tháng. Riêng số tiền bỏ ra mua xe cũng lên tới gần 20 tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng do thương hiệu ít được ưa chuộng, nên việc “thương lượng” với khách hàng không được tốt, toàn phải giảm giá. Giá một chiếc xe 5 chỗ chính hãng công bố 1,08 tỷ đồng, bán cho đại lý giá 1,04 tỷ đồng. Các đại lý do bị ép doanh số, thi nhau hạ giá nên không có tý lãi nào.
Tất cả chỉ trông chờ vào dịch vụ bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa. Nhưng bán mỗi tháng 20 xe thì doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ chẳng ăn thua. Không thua lỗ là may lắm rồi, vị này chia sẻ.
Cùng kinh doanh bán lẻ ô tô nhưng người thì “phất lên như diều gặp gió”, các ông, bà chủ có mặt ở sân golf, spa nhiều hơn ở công ty, mà tiền cứ thế chảy về, trong khi không ít kẻ vẫn méo mặt, tìm mọi cách co kéo để tồn tại.