Bán lẻ kỳ vọng vào “miếng bánh” lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế dần hồi phục, trong khi quý IV là mùa cao điểm mua sắm, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ được cải thiện.
Việc bán hàng truyền thống kết hợp online, đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc bán hàng truyền thống kết hợp online, đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chuyển động tích cực

Suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua yếu, biến động tỷ giá, lạm phát, cạnh tranh gay gắt, tồn kho lớn… là các khó khăn của nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, lãi suất giảm kỳ vọng kéo theo sự hồi phục của sức cầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện áp dụng mức thuế suất 10% (tức sẽ giảm còn 8%) trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu chính sách này được thông qua sẽ hỗ trợ sức mua cho khối bán lẻ.

Trước mắt, mùa mua sắm cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bán lẻ khởi sắc.

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) cho biết, tháng 10/2023, iPhone 15 ra mắt thị trường đã tạo sức nóng cho mảng ICT. FPT Retail là đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, từ cuối tháng 9/2023, Công ty đã nhận hơn 10.000 đơn đặt cọc mua iPhone 15 series tại hệ thống. Doanh thu bán sản phẩm này sẽ được tính vào quý IV, kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” cho mảng ICT vốn trầm lắng từ đầu năm đến nay và góp phần cải thiện bức tranh kinh doanh của Công ty.

Đối với mảng dược, đây sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn tại FPT Retail. Sau 3 năm bước chân vào lĩnh vực này, Công ty đã có lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế mảng dược đạt 53 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm đạt 280 tỷ đồng. Ngoài bán lẻ dược phẩm, FPT Retail vừa tham gia lĩnh vực tiêm chủng, một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Nhìn về triển vọng dài hạn, Công ty Chứng khoán Tiên Phong đánh giá, thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện của FPT Retail sẽ tăng lên khi chuỗi nhà thuốc Long Châu đang dẫn đầu về lĩnh vực kinh doanh thuốc kê đơn, lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh này cũng cao hơn các mảng khác. Mảng kinh doanh ICT sẽ sớm phục hồi khi lạm phát và lãi suất hạ nhiệt.

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) cho hay, Công ty sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 vào ngày 2/11. Thời gian qua, áp lực từ “cuộc chiến giá” khiến Digiworld phải tìm hướng đi mới. Thay vì tiếp tục giảm giá mạnh để cạnh tranh, Digiworld chọn mua lại một công ty kinh doanh sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp là Achison.

Bên cạnh đó, Digiworld hướng tới nhóm khách hàng có thu nhập thấp và mở rộng kinh doanh thương hiệu điện thoại giá rẻ mới là ZTE. Công ty cũng có dự định cung cấp dịch vụ mở brandshop cho các nhãn hàng khác để đa dạng hoá nguồn thu.

Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, việc đa dạng hoá doanh thu theo cả chiều ngang và chiều dọc sẽ giúp kết quả kinh doanh của Digiworld tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới và hạn chế tác động của cuộc chiến giành thị phần trên thị trường ICT. Các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc ít chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá sẽ đóng góp chính trong doanh thu mảng ICT của Digiworld.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG), tính đến hết tháng 8/2023, tổng doanh thu đạt 76.455 tỷ đồng (hoàn thành 57% kế hoạch năm), giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này ít hơn so với thời gian trước đó.

Xét cơ cấu doanh thu, chuỗi Điện máy xanh đóng góp 48,6%, Thế giới di động đóng góp 23,6%, Bách hóa xanh đóng góp 25,4%. Mảng Điện máy xanh và Thế giới di động đạt tổng doanh thu 55.100 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, nhưng chuỗi Bách hóa xanh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Đối với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ), trong bối cảnh ngành bán lẻ khó khăn, nhất là ngành trang sức cao cấp, nhưng kết quả kinh doanh nhìn chung vẫn khả quan. Trong quý III/2023, Công ty ghi nhận doanh thu 6.918 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, PNJ đạt doanh thu gần 23.377 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế 1.340 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành được 66% kế hoạch năm về doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận năm.

Xét biên lợi nhuận, trong 9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp của PNJ đạt 18,4%, tăng so với mức 17,4% của cùng kỳ; biên lợi nhuận ròng đạt 5,7%, tăng so với mức 5,2% của cùng kỳ năm ngoái, nhờ quản trị tốt chi phí bán hàng.

Nhắm tới “miếng bánh” 163,5 tỷ USD

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc bán hàng truyền thống kết hợp online, đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, FPT Retail đẩy mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu, bán trực tiếp tại cửa hàng và qua online, sau 30 - 60 phút đặt hàng là khách hàng nhận được sản phẩm.

Dễ dàng mua sắm nhờ số hóa, doanh nghiệp bán lẻ sẽ có khả năng tăng trưởng trong dài hạn. Nếu như năm 2017, bán lẻ truyền thống chiếm 78%, bán lẻ online chỉ chiếm 21% thì hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại đã tăng gấp đôi và ngang bằng với kênh bán hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước của Ngân hàng Nhà nước với 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay đã góp phần cải thiện sức mua, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đều xác định hướng có thế mạnh để tăng trưởng trong một thị trường được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027.

Trong báo cáo ngành bán lẻ của PSI vừa được công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. Các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ như Winmart, MWG, Masan, FPT Retail, Aeon, Lotte Retail, Central Group đã có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới để chiếm lĩnh thị phần. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.

Các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết như FPT Retail, MWG, Digiworld, PNJ… đều xác định hướng có thế mạnh để tăng trưởng. PSI đánh giá, FPT Retail dẫn đầu trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc, tận dụng cơ hội khi các đối thủ đang cần tái cấu trúc để tăng quy mô. MWG giành được thị phần phân khúc cao cấp sau cuộc chiến giá trên thị trường ICT và kỳ vọng bán thành công 20% vốn của chuỗi Bách hóa xanh cho đối tác nước ngoài, với định giá 1,5 - 1,7 tỷ USD. Digiworld chọn tăng doanh thu từ những sản phẩm phân khúc thấp và đa dạng hóa sản phẩm. PNJ cải thiện biên lợi nhuận ròng, giành thị phần từ tay các đối thủ.

Với triển vọng tích cực trong dài hạn, cổ phiếu nhóm bán lẻ vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục