iPhone 15 không “đỡ” được giá cổ phiếu bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự kiện mở bán dòng sản phẩm mới của Apple đã không hỗ trợ cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ như kỳ vọng.
Sức cầu yếu vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp bán lẻ ICT. Sức cầu yếu vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp bán lẻ ICT.

Phản ứng ngược

Trong bối cảnh sức cầu chậm lại, ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ (ICT) liên tục ghi nhận bước đi lùi trong hơn 6 tháng đầu năm. Kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm này cải thiện được dồn vào sự kiện mở bán sản phẩm iPhone 15 tại Việt Nam từ ngày 29/9/2023.

Tuy vậy, thống kê giao dịch của nhóm cổ phiếu bán lẻ từ ngày 13/9 đến ngày 10/10 cho thấy, ngoại trừ cổ phiếu FRT (của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail) bật tăng, hai cổ phiếu còn lại là MWG (của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động) và PET (của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - Petrosetco) giảm khá mạnh theo đà giảm chung của thị trường. Cụ thể, cổ phiếu MWG giảm 15%, từ 57.500 đồng/cổ phiếu xuống 48.850 đồng/cổ phiếu và PET giảm 15,3%, từ 31.300 đồng/cổ phiếu xuống 26.500 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, cổ phiếu FRT đi ngược xu hướng một phần nhờ thông tin hỗ trợ là Công ty đã mở rộng mảng dịch vụ tiêm chủng vắc-xin, nâng tổng số trung tâm tiêm chủng lên con số 4. Đây sẽ là lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng mới cho FPT Retail trong dài hạn, bên cạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Với hai cổ phiếu còn lại, dù vừa trải qua nhịp giảm đáng kể nhưng định giá không còn rẻ. Tính tới ngày 10/10/2023, hệ số P/E của cổ phiếu MWG là 45,7 lần, trong khi giai đoạn 2017 - 2022 chỉ dao động trong khoảng 12,54 - 19,77 lần.

Tương tự, P/E của cổ phiếu PET là 31,76 lần, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2017 - 2022 (6,62 - 18,53 lần). Định giá cổ phiếu bán lẻ tăng vọt là do lợi nhuận (E) của các doanh nghiệp giảm mạnh và thị giá (P) có nhịp tăng khá tốt đầu năm tới nay.

Nửa đầu năm 2023, Thế giới di động ghi nhận doanh thu giảm 20,1% so với cùng kỳ, về 56.570,6 tỷ đồng; lợi nhuận giảm tới 98,5%, về còn 38,7 tỷ đồng (tương đương 0,9% kế hoạch cả năm).

Hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ đi chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) của Thế giới di động ghi nhận lỗ 586,6 tỷ đồng trong 6 tháng (cùng kỳ lãi 3.310,6 tỷ đồng). Công ty thoát lỗ chủ yếu do ghi nhận doanh thu tài chính 944,45 tỷ đồng.

Tương tự, tại Petrosetco, trong nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 5,8%, lên 8.749,3 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 43 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ và mới chỉ thực hiện 17,9% kế hoạch cả năm. Hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận lỗ 101,15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39,63 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ nhờ có khoản doanh thu tài chính 158,72 tỷ đồng.

Khó khăn còn ở phía trước

Nhu cầu điện thoại di động bão hoà, sức cầu yếu do kinh tế tăng trưởng chậm lại dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ICT trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Trên cơ sở dự báo đó, FPT Retail cho biết sẽ không mở cửa hàng mới trong năm 2023 và chỉ mở mới trở lại trong năm 2024 - 2025 với tốc độ chậm (50 cửa hàng mỗi năm).

“Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ khó quay trở lại mức năm 2021 đến năm 2022, thời điểm nhu cầu máy tính xách tay cao bất thường”, FPT Retail nhận định.

Còn tại Thế giới di động, đơn vị này cho biết, sức mua thị trường ICT trong nửa cuối năm sẽ không có sự khác biệt nhiều so với 2 quý đầu năm.

Trong báo cáo về ngành bán lẻ, Chứng khoán Bảo Việt dự báo, năm 2023, lợi nhuận ròng của Thế giới di động khoảng 1.231 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ; lợi nhuận của FPT Retail đạt khoảng 80,2 tỷ đồng, giảm 79,5% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, nhóm doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn. Kỳ vọng doanh thu cải thiện nhờ mở bán iPhone 15 đã phản ánh sớm vào giá cổ phiếu và khi sự kiện diễn ra, cổ phiếu bán lẻ chịu hiệu ứng “tin ra là bán”.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục