Cổ phiếu bán lẻ "sống trong kỳ vọng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí ghi nhận lỗ hoạt động cốt lõi, nhưng cổ phiếu nhóm bán lẻ lại bùng nổ, thu hút dòng tiền.
 Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh cạnh tranh về giá nhằm kích cầu, gia tăng thị phần. Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh cạnh tranh về giá nhằm kích cầu, gia tăng thị phần.

Cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận lao dốc

Nhu cầu suy yếu khiến các doanh nghiệp bán lẻ như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Thế giới Di động, mã chứng khoán MWG), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) đẩy mạnh cạnh tranh về giá nhằm giành thị phần trong mảng phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Cuộc chiến cạnh tranh về giá khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 của Thế giới Di động sụt giảm, dù doanh nghiệp nỗ lực tiết giảm chi phí, bao gồm cắt giảm nhân sự. Cụ thể, từ ngày 30/9/2022 đến 30/6/2023, Thế giới Di động đã giảm 12.205 nhân viên, tương ứng giảm 15,2%, từ 80.231 người xuống 68.026 người.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 56.570,6 tỷ đồng, giảm 20,1% và lợi nhuận 38,7 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi kế hoạch cả năm là lãi 4.200 tỷ đồng. Đáng lưu ý, biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm từ 21,8%, xuống 18,8% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,64% xuống 0,07%.

Theo dữ liệu iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, trong giai đoạn 2017 - 2022, biên lợi nhuận ròng của Thế giới Di động dao động từ 3,07 - 3,99%. Như vậy, biên lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 0,07% là mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Xét hoạt động kinh doanh theo chuỗi, chuỗi bán lẻ An Khang ghi nhận lỗ 150,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, luỹ kế kể từ năm 2019 lỗ hơn 469 tỷ đồng; chuỗi Bách hoá Xanh ghi nhận lỗ 658,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, luỹ kế kể từ năm 2016 lỗ 8.053,6 tỷ đồng.

Còn xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận lỗ 586,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 3.310,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2023 không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 944,4 tỷ đồng (bao gồm 809,1 tỷ đồng lãi tiền gửi, 106,7 tỷ đồng chiết khấu thanh toán…) mà Thế giới Di động thoát khỏi nguy cơ lợi nhuận sau thuế là con số âm.

Với FPT Retail, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng 6,6%, đạt 14.923,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại ghi nhận âm 212,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 216,1 tỷ đồng.

Lý giải kết quả kinh doanh đi xuống, FPT Retail cho biết, trong nửa đầu năm 2023, công ty con là Công ty cổ phần Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty, nhưng lợi nhuận của Dược phẩm Long Châu chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất là con số âm.

Nếu như Thế giới Di động có lãi tiền gửi là “cứu cánh” trong nửa đầu năm 2023, thì FPT Retail lại không được may mắn như vậy, khi mà chuỗi nhà thuốc Long Châu không bù lỗ cho mảng ICT trong bối cảnh cuộc cạnh tranh về giá vẫn đang tiếp diễn vì nhu cầu tiêu dùng còn yếu, chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét.

Nửa đầu năm 2023, lợi nhuận của Thế giới Di động giảm 98,5%, của Petrosetco giảm 58,4% so với cùng kỳ, còn FPT Retail ghi nhận lỗ 212,7 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh lao dốc, ngay cả đơn vị phân phối cũng chung hoàn cảnh. Chẳng hạn, nửa đầu năm 2023, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã chứng khoán PET) ghi nhận doanh thu tăng 5,8%, lên 8.749,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 58,4%, còn 43 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là lãi 240 tỷ đồng.

Giống như Thế giới Di động, lợi nhuận hoạt động cốt lõi của Petrosetco trong nửa đầu năm nay ghi nhận lỗ 101,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 39,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty là con số dương chủ yếu do doanh thu tài chính đạt 158,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ (82,7 tỷ đồng), bao gồm 139,7 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay.

Giá cổ phiếu tăng nóng nhờ vào kỳ vọng dài hạn

Trái với bức tranh kết quả kinh doanh lao dốc, thậm chí ghi nhận lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng cổ phiếu nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ lại đang cho thấy điều ngược lại.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu bán lẻ liên tục hút dòng tiền, giúp giá có diễn biến tăng mạnh, với câu chuyện kỳ vọng là ngành bán lẻ đã đi qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục.

Thống kê từ ngày 24/5 đến 9/8/2023, giá cổ phiếu MWG tăng 39,9%, từ 37.590 đồng/cổ phiếu lên 52.600 đồng/cổ phiếu; từ ngày 17/5 đến 9/8/2023, giá cổ phiếu FRT tăng 44,9%, từ 53.500 đồng/cổ phiếu lên 77.500 đồng/cổ phiếu; từ ngày 30/3 đến 9/8/2023, giá cổ phiếu PET tăng 51,3%, từ 18.700 đồng, lên 28.300 đồng/cổ phiếu; từ ngày 31/3 đến 9/8/2023, giá cổ phiếu DGW tăng 94,4%, từ 28.700 đồng/cổ phiếu lên 55.800 đồng/cổ phiếu.

Sau nhịp bật tăng mạnh, toàn bộ cổ phiếu nhóm bán lẻ như MWG, FRT, PET và DGW đều đang phát đi những tín hiệu kỹ thuật đáng lưu ý như giá bao gồm giá không tăng, thanh khoản gia tăng; giá cổ phiếu chững lại hơn 2 tuần trở lại đây nhưng chỉ báo RSI đang có xu hướng đi xuống và duy trì trên 70; và đặc biệt, dòng tiền đã và đang phớt lờ, chưa phản ánh hiệu quả kinh doanh đi xuống của nhóm bán lẻ trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu là tập trung vào câu chuyện kỳ vọng đi qua thời điểm khó khăn nhất.

Trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ công bố đầu tháng 8/2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, năm 2023, lợi nhuận ròng của Thế giới Di động đạt khoảng 1.231 tỷ đồng, giảm 70%; lợi nhuận của FPT Retail khoảng 80,2 tỷ đồng, giảm 79,5% so với năm 2022.

Giai đoạn 2024 - 2025, BVSC kỳ vọng, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ sẽ hồi phục. Trong đó, lợi nhuận của Thế giới Di động năm 2024 tăng 131,1%, lên 2.857 tỷ đồng và năm 2025 tăng 34,3%, lên 3.839 tỷ đồng; lợi nhuận của FPT Retail năm 2024 tăng 426,9%, lên 422,6 tỷ đồng và năm 2025 tăng 22,1%, lên 515,8 tỷ đồng.

Theo BVSC, ngành bán lẻ thời gian tới sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Chính phủ; kỳ vọng thu nhập cá nhân, tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước dần hồi phục; các yếu tố hỗ trợ khác bao gồm mùa tựu trường cuối quý III, mùa ra mắt các sản phẩm mới trước Tết…

Trong ngắn hạn, một chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, mảng ICT cần có thêm thời gian để hồi phục và nhóm doanh nghiệp bán lẻ chưa có dấu hiệu đã đi qua thời điểm khó khăn nhất, câu chuyện tăng trưởng trở lại chỉ là kỳ vọng từ năm 2024, quá sớm để giá cổ phiếu tăng cao. Gần đây, giá cổ phiếu nhóm bán lẻ có diễn biến đi ngang, đây là một dấu hiệu cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trong thời gian tới nếu tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu nhóm bán lẻ mà không có kế hoạch dự phòng trong trường hợp đảo chiều.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục