Bán lẻ dệt may sụt giảm doanh số

0:00 / 0:00
0:00
Lực cầu giảm sút mạnh vì Covid-19 khiến ngành bán lẻ hàng dệt may toàn cầu sụt giảm doanh số trong năm 2021 và dệt may Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ngành may mặc không nằm ngoài bức tranh chung, lực cầu giảm sút khá nhiều. Ngành may mặc không nằm ngoài bức tranh chung, lực cầu giảm sút khá nhiều.

Doanh số bán lẻ dệt may giảm gần 10%.

Covid-19 khiến sức mua giảm sút, gây ra nhiều thách thức với thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 3,72 triệu tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành may mặc không nằm ngoài bức tranh chung, lực cầu giảm sút khá nhiều. Doanh thu bán lẻ hàng may mặc trong 9 tháng của năm 2021 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh thu bán lẻ trong 9 tháng của năm 2021 đạt 24,6 ngàn tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex phân tích, năm 2020, một số doanh nghiệp ngành may mặc đẩy mạnh được doanh số bán lẻ nhờ linh hoạt sản xuất các mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ khi Covid-19 xuất hiện. Nhưng sang năm 2021, mặt hàng khẩu trang hạ nhiệt bởi có nhiều nguồn cung khẩu trang y tế thay thế, Covid-19 bùng phát mạnh, các tỉnh, thành phố phía Nam thắt chặt giãn cách xã hội, thị trường bán lẻ hàng may mặc lại gặp khó khăn khi không còn doanh thu hàng khẩu trang bù đắp và lực cầu quần áo suy giảm.

Trong số 8 doanh nghiệp lớn thuộc Vinatex phát triển mạnh mảng kinh doanh nội địa, chỉ có duy nhất Tổng công ty Đức Giang ghi nhận mức tăng trưởng 105,7% về doanh thu bán lẻ trong 9 tháng của năm 2021; các doanh nghiệp khác đều giảm 30 - 40% doanh thu.

Gần 2 năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp bán lẻ may mặc tại Mỹ và châu Âu phải đệ đơn phá sản, hoặc cắt giảm quy mô 30 - 50% tổng số cửa hàng, điển hình là RTW Retalwinds (Mỹ) - doanh nghiệp với tuổi đời hơn 100 năm, nắm trong tay hàng loạt thương hiệu thời trang như New York & Company, Fashion to Figure, Kate Hudson...

Ngoài những tên tuổi lớn của nước Mỹ, một loạt thương hiệu quần áo nổi tiếng của Pháp như Naf Naf, Camaieu, La Halle… cũng tuyên bố phá sản.

Chuyển đổi và đón bắt xu hướng thị trường

Sau khoảng thời gian khủng hoảng, từ giữa năm 2021 đến nay, thị trường bán lẻ hàng may mặc toàn cầu trên đà hồi phục khi nhiều quốc gia mở cửa và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tăng lên.

Tuy nhiên, trải qua gần 2 năm “sống chung” với đại dịch, thói quen tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi. Rất nhiều khách hàng chuyển sang lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến thay vì mua trực tiếp tại cửa hàng. Cơ cấu mặt hàng được lựa chọn cũng chuyển từ các mặt hàng thời trang nhanh sang mặt hàng cơ bản, chú trọng tính thoải mái.

Bên cạnh đó, văn hóa làm việc ở nhà tại các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu giúp các mặt hàng quần áo ở nhà, quần áo năng động “ăn khách” hơn các loại quần áo công sở. Xu hướng này đã kích hoạt sự chuyển đổi khá rõ của các doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng thời gia tăng cơ hội bán hàng qua hình thức đa kênh.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mảng kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam bắt đầu thời kỳ đầu phát triển và hứa hẹn nhiều dư địa trong 5 năm tới.

Số liệu của Asia Plus cho thấy, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD (120.000 - 140.000 tỷ đồng). Sức hút của thị trường còn đến từ sự thay đổi trong hành vi mua sắm của thế hệ “Millennials” (8X, 9X) và “Centennial” (10X). Giới trẻ ngày nay không chỉ mua sắm tại các cửa hàng thời trang truyền thống, mà còn trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo và sàn thương mại điện tử…

Tận dụng thời cơ trong khó khăn, Tổng công ty Đức Giang vừa khai trương Trung tâm Thời trang nam Unifas đầu tiên tại Hà Nội, với kỳ vọng góp phần định hướng cho khách hàng về phong cách ăn mặc tiện lợi, kinh tế và thời trang.

Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang chia sẻ, 2020 - 2021 là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp, nhưng Đức Giang lại đạt được tăng trưởng về doanh số bán lẻ tại thị trường nội địa nhờ hoạt động đầu tư từ những năm trước, kết hợp cả kênh trực tiếp và trực tuyến. Đó là lý do doanh nghiệp tiếp tục khai thác dư địa thị trường ở mảng thời trang nam.

Những diễn biến phức tạp của Covid-19 trong gần 2 năm qua đã khiến thị trường bán lẻ phân hóa rõ ràng hơn. Nhìn về khía cạnh tích cực, sự chuyển biến này giúp các nhà bán lẻ nhìn rõ và tập trung hơn vào kênh phân phối đang “ăn khách”, từ đó tái sắp xếp, xác định lại đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Bởi vậy, trong khi không ít doanh nghiệp lớn rút lui khỏi thị trường, vẫn có nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho hoạt động kinh doanh mới, đón bắt xu hướng thị trường.

Đơn cử, thương hiệu Uniqlo sau thời gian trung thành với mô hình bán hàng truyền thống, vừa khai trương cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam vào đầu tháng 11. Song song đó, Uniqlo vẫn không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam. Gần đây nhất (ngày 29/10), thương hiệu bán lẻ thời trang này đã khai trương cửa hàng mới tại Aeon Mall Hà Đông. Đây là cửa hàng thứ tư của Uniqlo tại Hà Nội và là cửa hàng thứ 9 tại Việt Nam kể từ sau khi Hãng ra mắt cửa hàng đầu tiên vào cuối năm 2019.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục