Thực tế, các doanh nghiệp nỗ lực xoay xở để có dòng tiền nhằm vượt qua khó khăn, thách thức.
Về mặt quản trị doanh nghiệp, có các khung lý thuyết chung để xử lý những vấn đề trong khủng hoảng, nhưng như nhiều dẫn chứng trong các nghiên cứu, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 rất khác nên các giải pháp xử lý cũng đa dạng và nhìn trên tổng thể rộng hơn.
Một số giải pháp chính là đảm bảo các khung quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng; đảm bảo các nguồn vốn tài trợ hiện hữu; tập trung vào chu kỳ tiền mặt hơn bất cứ thời điểm nào, trong đó việc kiểm soát tồn kho trở nên khó khăn hơn, rà soát lại sát sao hơn các điều khoản trong khoản phải trả và phải thu; hoạch định lại các kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên; cắt giảm các chi phí cố định và thay thế bằng các chi phí biến đổi; tư duy trên toàn chuỗi giá trị là thiết yếu hơn bao giờ hết.
Thực tế, các nhóm giải pháp này ít nhiều đã thể hiện qua các nhóm ngành trong giai đoạn vừa qua, ở cả dạng chủ động và bị động.
Hàng không
Hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ việc đóng cửa các đường bay quốc tế, hạn chế tối đa các đường bay nội địa, nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines (HVN) lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng, doanh thu quốc tế hầu như không còn và doanh thu nội địa giảm gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. HVN tài trợ hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng các khoản nợ vay ngắn hạn, vốn chủ sở hữu tích lũy và theo ước tính của doanh nghiệp, cả năm 2020 có thể lỗ sau thuế 15.177 tỷ đồng, tiền cạn và âm vốn chủ sở hữu.
Ngay cả với phương án SCIC đầu tư vào HVN, lãnh đạo SCIC cũng không chắc được thời điểm HVN sẽ hồi phục và bảo toàn vốn. HVN thông qua dự thảo tờ trình của Tổ tư vấn Kinh tế trình Thủ tướng phương án cấp vốn 12.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Về phía quản trị vốn lưu động, HVN dự định đàm phán lại với nhà cung cấp giãn tiến độ thanh toán, đồng thời ngưng chi trả cổ tức…
Các phương án đối với HVN trong giai đoạn hiện tại đều rất khó, vì lỗ quá nhiều và không riêng gì ngành hàng không Việt Nam, thiệt hại của ngành hàng không thế giới là khổng lồ.
Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) cũng bị lỗ trong hoạt động vận tải hàng không trong 6 tháng đầu năm là 2.111 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VJC đẩy mạnh hoạt động mua và cho thuê lại (Sale and lease back - SLB), ghi nhận doanh thu 3.169 tỷ đồng, đồng thời tiết giảm các loại chi phí như nhiên liệu và dịch vụ hàng không khác khi đàm phán lại với các nhà cung cấp. Do đó, VJC vẫn có lợi nhuận sau thuế 73 tỷ đồng, cho thấy sự năng động hơn trong quản trị tài chính và mô hình kinh doanh.
Về bản chất trong dài hạn, các nghĩa vụ SLB vẫn sẽ phải thực hiện, vì đây chủ yếu là các cam kết không hủy ngang, nhưng giúp giải tỏa áp lực dòng tiền trong ngắn hạn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất mà không cần quá nhiều nguồn tài trợ từ bên ngoài như vay nợ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu… VJC đặt kế hoạch lãi 100 tỷ đồng trước thuế trong năm 2020.
Thép
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm lần lượt 6,4%, 7% và 12,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nội địa quý II của thép xây dựng, ống thép và tôn mạ khả quan, trong khi xuất khẩu tiếp tục sụt giảm.
Điều này cho thấy, các hoạt động xây dựng cơ bản, dân dụng và hạ tầng diễn ra “trong thầm lặng”, từ chính sách đầu tư công tới nhu cầu xây dựng của các doanh nghiệp, hộ gia đình được lên kế hoạch tích lũy từ nhiều năm trước.
Đối với nhóm thép xây dựng, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhận định, sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn từ dịch Covid-19, ngược lại còn hưởng lợi từ trụ cột đầu tư công của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng đã có lợi nhuận sau thuế trở lại, sau khi lỗ liên tiếp trước đó như VIS, POM, VNSteel.
Nhóm tôn mạ đang được hưởng lợi từ mặt bằng giá thép cán nóng thấp trong nhiều tháng qua.
Theo đó, doanh thu xuất khẩu giảm nhưng doanh thu nội địa cải thiện hoặc không giảm quá mạnh, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng, trong bối cảnh các loại chi phí vận hành được cắt giảm thông tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, ngưng đầu tư mới, cải thiện cơ cấu nguồn, co hẹp vốn lưu động từ nhiều quý trước đó, kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại nhiều bất định.
Ngân hàng
Đây là nhóm khó thấy được tác động từ đại dịch Covid-19, vì lợi nhuận của ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính nói chung có sự biến động lớn, phụ thuộc và chính sách chung và chất lượng tài sản trong dài hạn. Tuy nhiên, năm nay, nhiều ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, giảm so với mức thực hiện năm ngoái.
Lợi nhuận của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ như giảm, giãn nợ gốc và lãi, phí cho các doanh nghiệp bị tác động bởi bệnh dịch, bên cạnh đó chịu tác động gián tiếp từ tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng làm tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thu nhập của các ngân hàng thương mại năm 2020 có khả năng giảm 30.000 - 34.000 tỷ đồng, giảm 20 - 23% so với kế hoạch kinh doanh ban đầu và chủ yếu rơi vào 2 quý cuối của năm. Các giải pháp để khắc phục sự sụt giảm này có điểm tương đồng với giải pháp của các doanh nghiệp.
Các ngân hàng vẫn tập trung đa dạng nguồn thu từ dịch vụ, có sự ổn định lớn hơn trong dòng tiền và là hướng đi bền vững hơn, rà soát, cập nhật sát tình hình các khách hàng, nhóm khách hàng, nhóm ngành nghề có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, MB đã trích lập trước cho nhóm khách hàng có nguy cơ này. Bên cạnh đó, các ngân hàng thiết kế những gói sản phẩm mới đặc thù và phù hợp hơn với định hướng bán lẻ, cắt giảm và linh hoạt hơn trong chi phí hoạt động.
Đối với ngành ngân hàng, vấn đề dòng tiền được nhìn trên góc độ rủi ro thanh khoản vì các ngân hàng không hoạt động đơn lẻ, sự gắn kết có thể tạo ra rủi ro trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 5/2020, đã có 76/80 tổ chức tín dụng áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II), nên hệ số an toàn vốn được củng cố trước đại dịch. Áp lực vốn tự có chủ yếu tập trung trong nhóm ngân hàng nhỏ, với sự khó khăn trong tăng vốn và huy động vốn mới từ dân cư.
Nhưng tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của các ngân hàng, trong khi tác động của dịch bệnh tới các doanh nghiệp và hộ kinh doanh dự kiến sẽ kéo dài. Đại dịch Covid-19 được cho là có tác động trong dài hạn đối với nhiều ngành nghề, việc hỗ trợ và trích lập dự phòng đối với khách hàng sẽ kéo dài theo, tùy theo danh mục, sự linh hoạt trong các giải pháp của ngân hàng.
Thủy sản
Nông nghiệp được xem là nhóm ngành chủ lực, không chịu sự sụt giảm về mặt tổng thể, mà còn đóng góp vào tăng trưởng GDP trong 2 quý đầu năm 2020, nhưng cấu phần của nhóm này thì lại khác, đặc biệt là thủy sản, các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ…
Các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ như MPC, FMC, VHC, ANV, HVG, IDI, ACL đều có doanh số, lợi nhuận giảm từ 20% tới trên 50% trong quý II/2020, không chỉ bởi nhu cầu sụt giảm trong ngắn hạn, mà rộng hơn là vấn đề trong toàn chuỗi cung ứng.
Kết quả kinh doanh lao dốc cho thấy sự phụ thuộc vào những khách hàng lớn, trong đó có những khách hàng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản. Tình trạng này gây ra biến động lớn về giá cả đầu vào do tính tự chủ về nguyên vật liệu còn yếu.
Nông dân nuôi cá cũng đang đối mặt với tình trạng cá quá lứa không bán được, giá cả giảm ở cả 2 đầu, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn cung (cụ thể là con giống).
Việc dịch chuyển sang các khách hàng khác cần thời gian và có rủi ro về thanh toán, tài chính cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn vốn đầu vào từ cho vay/tài trợ thương mại của các ngân hàng bị hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tập trung vào thị trường trong nước bằng cách hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ lớn.
Bài toán trước mắt là giải quyết hàng tồn kho, tìm nhà cung cấp, tìm nguồn vốn tài trợ bổ sung, dài hạn hơn là đầu tư vào chuỗi cung ứng, tập trung ở đầu nguồn và cả đầu ra với các sản phẩm dinh dưỡng, chiết xuất có giá trị gia tăng, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác.
Bài toán dòng tiền ở giai đoạn hiện tại được nhìn nhận ngày càng thực tế và sát sao hơn. Trong giai đoạn nền kinh tế bình thường, doanh nghiệp ít chú ý tới các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng, mà thường tập trung vào khâu thị trường trong giai đoạn thuận lợi và họ cũng ít chú ý tới các chi phí chìm (bao gồm chi phi cơ hội của vốn).
Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19 đã bộc lộ các yếu kém, buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc.
Đây cũng là góc nhìn tích cực trong sự đào thải, cải thiện đối với các doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn, không những ở góc độ chiến lược quản trị đúng đắn, mà đại dịch giúp nhìn nhận mô hình kinh doanh nào sẽ thích nghi tốt hơn, hay sinh ra các mô hình kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Qua đó, triết lý “trong dài hạn, dòng tiền chứ không phải lợi nhuận mới là nhân tố cấu thành nên giá trị nội tại của doanh nghiệp” được cảm nhận sâu hơn. Xem xét ở góc độ tác động lên giá trị dài hạn của doanh nghiệp, chất lượng lợi nhuận là quan trọng hơn lợi nhuận ngắn hạn.