Hai lực đỡ tâm lý nhà đầu tư chứng khoán khi Covid-19 quay trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giải ngân đầu tư công và EVFTA có hiệu lực được đánh giá là hai lực đỡ cho các nhà đầu tư khi Covid-19 quay trở lại.
Hai lực đỡ tâm lý nhà đầu tư chứng khoán khi Covid-19 quay trở lại

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như làm yếu đi hoạt động đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Số liệu về đầu tư công trong 7 tháng đầu năm đang cho thấy nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn giải ngân đầu tư công) đạt 45.700 tỷ đồng chỉ tính riêng tháng 7/2020, tăng mạnh 51,8% so với cùng kỳ; trong đó vốn trung ương quản lý tăng 101,8% so với cùng kỳ, còn vốn địa phương quản lý tăng 43,9%.

Lũy kế 7 tháng, quy mô giải ngân đạt 203.000 tỷ đồng (hoàn thành 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2%), trong khi cùng kỳ 2019 mức hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng đều thấp hơn, lần lượt đạt 41,6% và 4,7%.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ, đặc biệt sức ép càng lớn khi làn sóng Covid-19 quay trở lại.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu phải hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Cụ thể, xử lý vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư…; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân; điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân cao.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, cùng các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát số vốn kế hoạch để giải ngân trong năm 2020; tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2020, từ đó xem xét điều chuyển từ dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có nhu cầu giải ngân cao. Định kỳ 15 ngày phải báo cáo Thủ tướng kết quả giải ngân.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang theo dõi sát Dự án Cao tốc Bắc Nam, được coi là điểm nhấn trong hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2020 - 2021.

Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm có 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đã khởi công trong năm 2019.

Với 8 dự án còn lại, có 5 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện đã lựa chọn nhà đầu tư sơ tuyển. Vào giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa phát hành hồ sơ mời thầu, tìm kiếm nhà đầu tư chính thức cho 5 dự án nêu trên. Dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 11/2020.

Ba dự án còn lại (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) chuyển sang hình thức đầu tư công. Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cần khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng các dự án thành phần này từ tháng 9/2020, chậm nhất đến cuối năm 2022 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Với lực đỡ từ EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, nếu như giá trị thương mại hai chiều giữa hai khu vực chỉ ở mức 4,1 tỷ USD vào năm 2000, thì con số này đã tăng gấp 13,7 lần vào năm 2019 với quy mô 56,45 tỷ USD.

Cụ thể, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 14,9 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp (FDI), 5 tháng đầu năm 2020, EU có 26/27 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 21.6 tỷ USD.

Hiện, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và nhà đầu tư có quy mô lớn thứ 5 tại Việt Nam

Trong quá khứ, các thông tin về EVFTA thường sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với các lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi từ hiệp định này, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, được hưởng lợi về thuế như dệt may, thủy sản… hay nhóm doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư từ châu Âu như khu công nghiệp.

Một số cổ phiếu thuộc lĩnh vực ngân hàng cũng phản ánh tích cực với câu chuyện EVFTA khi Hiệp định có quy định “trong vòng 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng EU mua cổ phần đến 49% trong 2 NHTM cổ phần bất kỳ (ngoại trừ 4 ngân hàng quốc doanh)”.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục