Ba giải pháp cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

(ĐTCK) Nhiều cảnh báo về thảm họa thiên tai dưới góc nhìn của nhà bảo hiểm đã được đưa ra tại Hội nghị bảo hiểm thảm họa thiên tai vừa diễn ra tại Hà Nội, khiến nhiều người phải giật mình.
Ba giải pháp cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Trong khi trên thực tế, bảo hiểm thiên tai vẫn chỉ là sản phẩm khuyến mại, bán kèm với một sản phẩm bảo hiểm khác.

Ba giải pháp cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam ảnh 1Việt Nam là một trong những nước gánh chịu nhiều thảm hoạ thiên tai nhất thế giới

Báo động về thiên tai và thảm họa

Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Swiss Re, tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới báo động về tình hình thảm họa thiên tai trên thế giới, với những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản, đẩy lùi nền kinh tế của các nước này; đồng thời, cũng nêu những bài học, kinh nghiệm giải quyết hậu quả thảm họa của các nhà bảo hiểm và Chính phủ các nước xảy ra thiên tai lớn.

Cụ thể, trận lũ lụt ở Brisbane, Australia tháng 2/2011 gây ra tổn thất 6,4 tỷ USD, các nhà bảo hiểm bồi thường ước 2,3 tỷ USD; trận động đất ở Christchurch, Newzeland tổn thất ước 15 tỷ USD, được bảo hiểm 12 tỷ USD; trận lụt tại Thailand tháng 11/2011 gây tổn thất khoảng 40 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường ước 12 tỷ USD. Thảm họa động đất và sóng thần tại Tohoku, Nhật Bản hồi tháng 3/2011 gây tổn thất lên đến 310 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường trên 35 tỷ USD...

Việt Nam nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi phải gánh chịu đến 70% các thảm họa thiên nhiên trên thế giới, và là 1 trong 3 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á chịu tổn thất thiên tai nhiều nhất. Hàng năm, nước ta phải hứng chịu 6 - 7 cơn bão, hàng chục trận lũ quét… Mười năm trở lại đây, tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra hàng năm tương đương với 1,2 - 1,5% GDP.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tác động biến đổi khí hậu. Trong tương lai, những nguy cơ như nước biển dâng, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, trong đó có Việt Nam , từ đó có thể tăng mạnh số lượng thảm họa thiên tai.

 

Xây dựng gấp quỹ bảo hiểm thiên tai 

Ngành bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiệt hại thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống, hỗ trợ tái thiết nền kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, chính ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng của những thảm họa này.

Thế nhưng, trái ngược với mức độ cảnh báo về nguy cơ thiên tai, thảm họa, các nhà bảo hiểm Việt Nam dường như đang thờ ơ đối với loại hình bảo hiểm này. Nhiều năm qua, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn coi bảo hiểm thiên tai chỉ như là một điều khoản khuyến mại hoặc được bảo vệ tự động trong hợp đồng bảo hiểm cháy, đơn bảo hiểm mọi rủi ro (CAR, EAR, CPM) hoặc nếu có tính phí thì cực kỳ thấp. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây phản ứng dây chuyền khi sự cố xảy ra. Theo khảo sát của Vinare, chỉ tính riêng 2 nghiệp vụ là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật, số tiền bảo hiểm giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2012 ước khoảng gần 20 tỷ USD. Nếu như thảm họa thiên tai xảy ra tại vùng kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP. HCM…) thì đây thực sự là thảm họa cho ngành bảo hiểm Việt Nam .

Cùng với việc cảnh báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam , nhiều chuyên gia bảo hiểm quốc tế đã đề ra một số giải pháp mang tính cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam . Thứ nhất là phải xây dựng quỹ bảo hiểm thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam . Để làm được điều này, trước hết là tính đúng, tính đủ lệ phí để bảo hiểm cho những thảm họa (lũ, lụt, bão,...) cho những sự kiện có thể có ít nhất trong vòng 50 - 60 năm. Thứ hai, Bộ Tài chính, các bộ, ban ngành có liên quan cần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp và can thiệp, hỗ trợ trực tiếp vào bảo hiểm thảm họa thiên tai. Thứ ba, phải tái bảo hiểm toàn cầu, san sẻ bớt gánh nặng nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhiệm vụ trước mắt đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam là phải tách bạch bảo hiểm thiên tai với các loại hình bảo hiểm khác, xây dựng chương trình bảo vệ cần thiết cho các công ty trên thị trường.

Minh Đức
Minh Đức

Tin cùng chuyên mục