Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn khiến giá cổ phiếu doanh nghiệp ngành thủy sản biến động mạnh. Cổ phiếu ASM cũng nằm trong xu thế đó, dù các mảng hoạt động khác của công ty có triển vọng khả quan. Gần đây, cổ phiếu ASM đang tăng giá trở lại, tiến tới mốc 9.000 đồng/CP, sau khi giảm xuống 6.600 đồng/CP vào ngày 18/5.
Nhà đầu tư đang trông chờ cổ phiếu ASM bứt phá, leo lên mốc giá mới khi mới đây lãnh đạo ASM chính thức đối thoại với nhà đầu tư tại HOSE và tiết lộ hàng loạt chiến lược bí mật trở thành tập đoàn đa ngành.
NHỮNG KẾ HOẠCH LỚN
Tại buổi đối thoại, Ban lãnh đạo ASM cho biết, trong năm 2015, ASM tái cấu trúc tài chính mạnh mẽ và đưa Sao Mai là công ty lớn nhất trong chuỗi công ty theo mô hình Holding Company. Phát hành tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và giữ nợ vay dưới mức 50% trên tổng tài sản. Đảm bảo đủ nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho việc đầu tư hòan thành các dự án dở dang và các dự án mới.
Tập đoàn đang chiếm lĩnh thị trường bất động sản bằng phân khúc đất nền giá trung bình với 12 dự án bất động sản đã hòan thành, đang khai thác và tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn mang ý nghĩa chiến lược cần giải ngân sớm. Để có nguồn tiền đầu tư ASM sẽ phát hành 222 triệu cổ phiếu vào quý 2 và 4 chia làm 2 đợt và phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch ASM cho biết, hiện ASM đang làm việc với một tổ chức tài chính Mỹ muốn đầu tư vào ASM bằng việc mua 1.000 tỷ đồng cổ phần của ASM.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ASM tiếp tục đầu tư khép kín chuỗi giá trị về cá tra. ASM sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để chủ động nguồn cung lên tới 80%-100%, đưa vào vận hành nhà máy chế biến thủy sản công suất 150 tấn/10 giờ, đặc biệt nhà máy này được xay dựng một kho lạnh có sức chứa 15.000 tấn, khi kho lạnh này vận hành sẽ triệt tiêu phí gửi kho hàng chục tỷ mỗi năm.
Tập đoàn sẽ khởi công xây dựng và hòan thành nhà máy chế biến thức ăn cho thủy sản công suất thiết kế 40 tấn/giờ, nâng công suất nhà máy chế biến bột mỡ cá lên 450 tấn/ngày, đầu tư thêm dây chuyền tinh luyện dầu cá cao cấp Ranee, tăng gấp đôi công suất hiện tại. Đang nghiên cứu 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến shortening-margarine và nhà máy bao bì.
ASM cũng sẽ đẩy mạnh mảng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long với việc tái cấu trúc sâu rộng hoạt động công ty du lịch Đồng Tháp (một DN mà tập đoàn Sao Mai vừa mua từ DN Nhà nước), nỗ lực thúc đẩy tiến độ dự án Khu du lịch Thiên Cảnh Sơn, Khu du lịch Núi Trà Sư (An Giang), Khu Resort Sao Mai tại Vũng Tàu, Thanh Hóa.
Về y tế, ASM sẽ hòan thành xong phần móng bệnh viện quốc tế Sao Mai tại TP. Long Xuyên (An Giang) trong năm 2015 và đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Năm 2015, ASM đặt kế hoạch doanh thu 1.360 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bất động sản khoảng 300 tỷ đồng, từ thức ăn chăn nuôi khoảng 700 tỷ đồng và xuất khẩu thủy sản 280 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 134 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền mặt 5-10%.
Ông Lê Thanh Thuấn cho hay, ước 6 tháng đầu năm doanh thu riêng mảng bất động sản ước khoảng 300 tỷ đồng, cả năm có thể đạt 500-600 tỷ đồng.
Vị Chủ tịch ASM khẳng định, ASM sẽ có doanh thu lớn trong năm 2015 và các năm tiếp theo, khi tiềm năng đất được “đánh thức”. Bởi lẽ, quỹ đất giá rẻ của ASM được Ban lãnh đạo tập đoàn thu gom từ lúc thị trường khủng hoảng, giá đất ở vùng đáy. Đến nay, thị trường bất động sản đang ấm trở lại, nhất là phân khúc đất nền giá trung bình, trong khi ASM có trong tay tới 12 dự án bất động sản đã hoàn thành: dự án Bình Chánh 3 và 5, dự án tại Bến Tre, dự án tại Châu Phú, Châu Đốc (An Giang), dự án Khu dân cư Phú Hòa…. và hàng loạt dự án khác, như: dự án Sao Mai Bình Khánh (An Giang), Trung tâm Thương mại Lấp Vò (Đồng Tháp), Nhựt Hồng (Cà Mau), Sao Mai Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), Sao Mai Xuân Thịnh (Triệu Sơn, Thanh Hóa), Khu đô thị cao cấp Sao Mai (Hòa Bình). Biên lợi nhuận từ bất động sản của ASM rất lớn tới trên 70%, năm 2014 là 51% và lợi nhuận thu về từ mảng bất động sản đạt 30%.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ thức ăn chăn nuôi tăng gấp đôi từ mức 300 tỷ đồng năm 2014 lên 700 tỷ đồng năm 2015 là khả thi, vì Tập đoàn sẽ hoàn toàn chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi lên 90-100%. Ngoài ra, sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee đã phủ sóng hầu hết các siêu thị trong nước và sẽ xuất khẩu ra nước ngoài”.
Đối với xuất khẩu thủy sản, ông Lê Thanh Thuấn cho biết: “Chúng tôi không để trứng vào một giỏ, luôn mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Tuy vậy, việc xây dựng thị trường không phải một sớm một chiều, vì vậy phải kiên nhẫn và chuyên nghiệp hóa”.
Trong năm nay, ASM sẽ nâng vốn nắm giữ tại CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) lên mức 51%, vì IDI là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước. IDI đang xây dựng mô hình sản xuất khép kín từ khâu tạo vùng nuôi phục vụ chế biến thủy sản chủ động nguồn nguyên liệu đến 90% cho nhà máy, đến việc sử dụng các phụ phẩm để tạo ra dầu cá, mỡ cá và thức ăn cho ao nuôi.
IDI tận dụng lợi thế thị trường gần bằng cách tăng doanh thu xuất khẩu vào Trung Quốc lên 35% nhưng cũng không phụ thuộc thị trường này khi Công ty đang tích cực mở rộng xuất khẩu sang các nước trong ASEAN và Châu Mỹ. Doanh thu năm 2015 của IDI dự kiến 3.068 tỷ đồng, lợi nhuận 142 tỷ đồng, cổ tức 10% bằng tiền mặt.
Phấn đấu năm 2015, toàn Sao Mai Group phải đạt doanh thu trên 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 350 tỷ đồng để làm bàn đạp cho những năm tiếp theo.