Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt: Tác động tiêu cực không thể xem nhẹ

Lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên nước ngọt chưa hoàn toàn thuyết phục, bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ béo phì cao, chứ không phải chỉ do thói quen sử dụng nước ngọt có đường.
Dự kiến, việc đánh thuế TTĐB lên nước ngọt sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Dự kiến, việc đánh thuế TTĐB lên nước ngọt sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Nhiều tiền lệ “áp rồi bỏ”

Từ trước tới nay, việc bia, rượu... phải chịu thuế TTĐB được cho là hợp lý. Nhưng việc đề xuất đánh thuế TTĐB lên nước ngọt có ga không cồn, với  lý do loại đồ uống này gây tác hại đến sức khỏe người dùng, như gây các bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch…, lại không có tính thuyết phục.

Thực tế, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học hay thực tiễn nào chứng minh được rằng, áp thuế đối với nước ngọt sẽ giúp giảm tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì hay tiểu đường. Ngay Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi đưa ra các khuyến cáo cho các nước áp dụng nhằm ngăn các căn bệnh trên, cũng không nói đến nước ngọt. WHO chỉ nhấn mạnh đến các biện pháp giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân, đồng thời giảm thói quen sống thiếu vận động...

Hiện có nhiều quốc gia thực hiện áp thuế TTĐB lên nước ngọt, với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy nhiên, chính sách thuế này chưa được chứng minh tính hiệu quả ở bất kỳ quốc gia nào. Thậm chí, các nước phát triển như Đan Mạch và một số nước thuộc Liên minh châu Âu đã thất bại khi áp dụng loại thuế này.

Đơn cử, Đan Mạch đã bãi bỏ TTĐB với nước ngọt vào năm 2012, vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống.

Với các nước thuộc Liên minh châu Âu áp TTĐB cho nước ngọt như Pháp, Phần Lan, Hungary và Hà Lan, một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng, chính sách thuế này là thủ phạm làm tăng chi phí hành chính, dẫn đến thất nghiệp, tăng giá thực phẩm và hoàn toàn không cải thiện rõ rệt tình hình sức khoẻ cộng đồng.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu kinh tế New Zealand cũng khẳng định, không thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa thuế và thói quen tiêu dùng; không thể khẳng định mối tương quan giữa thuế và hiệu quả sức khỏe và không có chính sách thuế nào là tối ưu. Các nghiên cứu từ Trung tâm Tư vấn chính sách thuế và đầu tư (ITIC) cũng có những kết luận tương tự.

Ông Wayne Barford, cố vấn cao cấp của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế nhấn mạnh, không có thực tiễn hay thông lệ áp thuế quốc tế nào là mô hình kiểu mẫu tốt nhất để Việt Nam tham khảo, mà cần phải cân bằng với tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Cân nhắc kỹ khi đưa chính sách vào thực tế

Việt Nam vốn được coi là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng? Chắc chắn rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và có chính sách pháp luật ổn định để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.

Sử dụng công cụ chính sách về thuế để điều tiết nền kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, thuế cũng sẽ làm giảm sức tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng các thủ tục quản lý, là tiền đề tạo ra thất nghiệp.

Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tác động kinh tế và xã hội của chính sách thuế TTĐB với nước ngọt cho thấy, nếu áp dụng thuế TTĐB ở mức 10% với nước ngọt, thì sẽ có thể mang lại cho ngân sách 1,976 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của ngành công nghiệp này và ngành mía đường sẽ giảm khoảng 3,928 tỷ đồng, dẫn tới thu nhập từ hoạt động sản xuất của toàn ngành kinh tế giảm khoảng 0,16% và GDP giảm khoảng 0,12%.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng hàng năm của ngành đồ uống Việt Nam là 13,5%, trong khi mức doanh thu ước tính cho cả năm 2017 là 2,97 tỷ USD. 

Hiện các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường ở Việt Nam đều có cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh, thành phố, với tổng số lao động 3.000 - 4.000 người. Mỗi doanh nghiệp lớn thường kéo theo chuỗi giá trị với quy mô gấp 6 - 9 lần, gồm nhà cung ứng và phân phối, thường là các doanh nghiệp nhỏ hơn, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đặc biệt, số hộ kinh doanh có sản phẩm của các doanh nghiệp này lên tới 1 triệu hộ.

Mặt khác, theo Quy hoạch Phát triển ngành đồ uống được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam dự kiến tăng tỷ trọng của nước giải khát không cồn. Tuy nhiên, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường sẽ làm nản lòng các nhà sản xuất đồ uống không cồn và buộc họ phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nguyễn Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục