Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, những câu hỏi còn bỏ ngỏ

(ĐTCK) Trước dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường, các doanh nghiệp trong ngành này đương nhiên lo lắng cho khả năng doanh số giảm vì thuế tăng. Nhưng trong một câu chuyện lớn hơn là tại sao phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, các chuyên gia vẫn chưa có cái nhìn thống nhất.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Tại Hội thảo "Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững" vừa tổ chức, nhiều vấn đề kinh tế được nêu ra, nhưng tâm điểm được chú ý lại là một câu chuyện không quá sát với chủ đề: Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước ngọt có đường.

Sở dĩ có câu chuyện này vì mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo mới nhất về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế. Đáng lưu ý, trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính sửa đổi: "Bổ sung thu thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa".

Quy định này với các doanh nghiệp trong ngành là mối lo rất lớn vì nếu áp thuế, lợi nhuận và doanh thu chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ quan ngại về dự thảo cho sắc thuế này.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tỏ ra khá lo lắng khi 3 năm vừa qua, mỗi năm thuế TDĐB đối với bia đã tăng thêm 5% và dự kiến sẽ lên 65% trong năm 2018. Tới đây, với việc đánh thuế mới vào sản phẩm nước ngọt thì các doanh nghiệp trong ngành này sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Theo VBA, hiện nay chưa có một nghiên cứu chính thức nào về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Việt Nam do tác động của các sản phẩm nước ngọt có đường.

Trong khi đó, theo Báo cáo của WHO thì Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ những người thừa cân trên thế giới thuộc loại thấp với tỷ lệ 10,2%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, chiếm khoảng 32,2% dân số và Malaysia với 44,2% dân số.

PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, nếu lý do tăng thuế TTĐB lần này là vì sức khỏe người tiêu dùng thì Bộ Tài chính cần phải có thêm những lý giải, phân tích kỹ hơn cũng như cung cấp những thông tin nhiều chiều đến ảnh hưởng các vùng nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cũng như người sử dụng sản phẩm nước ngọt…

Có như vậy mới có một sắc thuế mang tính thuyết phục và đạt được mục tiêu cao nhất là điều tiết tiêu dùng xã hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, những câu hỏi còn bỏ ngỏ ảnh 1

 Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội và ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trả lời những vướng mức của doanh nghiệp. Ảnh: Thạch Bắc

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, đây chưa phải thời điểm chín muồi để tăng thuế đối với các mặt hàng nước ngọt.

Do những tác động tiêu cực đến công nghiệp và kinh tế, trong khi các tác động đối với bảo vệ sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng, nhiều nước trên thế giới quyết định không áp thuế TTĐB đối với nước ngọt.

Cụ thể, trong 158 quốc gia trên thế giới, chỉ có 40 quốc gia áp dụng thuế này. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ có 9 quốc gia áp thuế...

Cuộc tranh luận về lý do tăng thuế TTĐB và thuế GTGT đã khép lại hội thảo để Việt Nam phát triển bền vững. Tuy nhiên, câu trả lời về sắc thuế mới vẫn bỏ ngỏ trước câu hỏi: Tăng thuế vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì lợi ích của Nhà nước hay là để giảm nguy cơ béo phì của người Việt Nam?

Thạch Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục