WHO khuyến nghị cân nhắc áp thuế lên nước ngọt

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt theo đề xuất của Bộ Tài chính có thể kéo theo tác động tiêu cực tới ngành đồ uống.
Bộ Tài chính đang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng đồ uống có đường, trừ sữa. Bộ Tài chính đang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng đồ uống có đường, trừ sữa.

Theo dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), nước ngọt có đường được đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%. Đồ uống có đường được liệt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do “ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Đề xuất này nhận được ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, tổ chức. Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc đánh thuế lên thực phẩm, đồ uống có đường không phải cách duy nhất giải quyết tình trạng béo phì, đảm bảo sức khoẻ cho người dùng.

Theo đó, các thành viên WHO cho rằng nước ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất đối với một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì và ung thư.

Ngược lại, bốn nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh này là thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.

Tổ chức này khuyến nghị, thay vì áp thuế lên sản phẩm cụ thể, Chính phủ nên đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế; tăng tỷ lệ chi ngân sách cho các hoạt động y tế, giáo dục người dân về lối sống, rèn luyện thể lực…

Phản đối đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nêu tại diễn đàn doan nghiệp VBF giữa kỳ 2018 mới tổ chức.

Ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng hiện không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khoẻ tốt hơn, ngược lại có thể tạo ra các tác động tiêu cực tới ngành đồ uống.

Ông dẫn chứng hiện có khoảng 40 quốc gia áp thuế đặc biệt với nước ngọt, song hiệu quả của chính sách thuế này chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào.

Chưa kể, một số quốc gia đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đã bỏ chính sách này sau nhiều năm áp dụng, như Đan Mạch, do không đạt được mục tiêu về thu thuế.

Cách đây một tháng các nhà lập pháp California (Mỹ) đã bỏ phiếu cấm ban hành các loại thuế đánh vào nước ngọt ít nhất tới năm 2031.

“Chính phủ Việt Nam không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt vì sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến ngành đồ uống. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn”, ông nói.

Trước kiến nghị của đại diện doanh nghiệp nước ngoài, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai “hứa” cho biết sẽ tiếp thu để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách.

Thực tế, đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế ngay khi vừa được công bố cũng không nhận được sự đồng thuận từ các bộ ngành. Văn bản góp ý của Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này. 

Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...

Chỉ khi có những đánh giá đầy đủ trên, theo Bộ Kế hoạch, mới có căn cứ thuyết phục về việc áp thuế.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục