Vì thế, không ít kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhà băng đã phải trì hoãn trong nhiều năm.
Trong kỳ Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa qua, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tuy nhiên, áp lực lớn hơn đối với các nhà băng quy mô nhỏ, vốn điều lệ chỉ tương đương mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng như Viet Capital Bank, Kienlongbank, Nam A Bank, VietBank… sẽ khó nâng cao được vốn trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, để đáp ứng chuẩn Basel II, điều kiện cần và đủ đối với các ngân hàng là phải nâng cao năng lực tài chính. Thời gian quy định cho tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn quốc tế Basel II là vào cuối năm 2018, thay vì chỉ có 10 nhà băng thí điểm như hiện nay. Do đó, tăng vốn được xem là điều cấp bách với các ngân hàng.
Basel II đòi hỏi ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để đảm bảo cho các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Vì vậy, yêu cầu tăng vốn dường như là điều tất yếu ở tất cả các ngân hàng muốn triển khai Basel.
Với 10 ngân hàng được chỉ định thí điểm theo Basel II (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB, Maritime Bank, Sacombank, VIB) cũng đã lần lượt tăng vốn từ việc chia cổ tức năm 2016 và phát hành thêm cổ phiếu mới.
Bởi việc áp dụng Basel II sẽ khiến CAR của các ngân hàng giảm, yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những ngân hàng có hệ số tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở quanh ngưỡng 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện, nâng cao tiềm lực.
Do đó, không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng đã có tiềm lực như ACB, VPBank, MB… đều có kế hoạch tăng vốn.
Bà Đào Minh Anh - Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị rủi ro OCB cho biết, Ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Việc tăng vốn lên đến mức nào, thời điểm, phương thức huy động vốn ra sao, đều được cân nhắc để phù hợp với điều kiện hiện tại.
Ngày 20/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ của Ngân hàng thông qua vào ngày 19/4/2017. Bên cạnh đó, NHNN cũng chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 805 tỷ đồng của OCB bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ.
VietA Bank cũng có kế hoạch tăng tiếp 20% vốn điều lệ năm nay lên 4.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong đó, một phần được tăng từ cổ tức của năm 2015 là 7,5%..., song đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.
Sức ép đưa cổ phiếu lên sàn
Ngoài việc tăng vốn, các ngân hàng cũng cho hay, nhằm thực hiện quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, nên các ngân hàng đang gấp rút đăng ký và niêm yết tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và một số nhà băng dự kiến tiến hành niêm yết trên sàn chính thức năm nay.
Thế nhưng, dù đã trình cổ đông thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn trong kỳ ĐHCĐ thường niên vừa qua, song đến nay, vẫn rất ít nhà băng hành động, cho dù theo quy định phải đưa cổ phiếu lên UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Hiện tại, ngoài các ngân hàng niêm yết, chỉ có Kienlongbank, VIB là đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCom. Trong khi, nhiều cái tên như Nam A Bank, SCB, HDBank, TPBank, Viet Capital Bank, VietBank, SaigonBank… vẫn chưa có động tĩnh, cho dù trước đó một số ngân hàng đã rầm rộ công bố lên sàn.
Theo đánh giá của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, việc niêm yết trên sàn chính thức hay giao dịch trên UPCoM là cần thiết để minh bạch thông tin hoạt động, cũng như tạo sự cạnh tranh, nhưng do diễn biến thị trường thời gian qua, cộng tâm lý e ngại của ngân hàng nên còn chậm.
Cũng theo ông Andy Ho, trong bối cảnh hiện nay, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ khó bật tăng, nhất là với ngân hàng nhỏ đang đối mặt dự phòng cao, đồng thời không loại trừ làn sóng M&A khi ngành đẩy mạnh tái cấu trúc. Trong khi đó, áp lực tăng vốn điều lệ đè nặng các nhà băng. Bên cạnh đó, cổ đông cũng không mấy mặn mà với việc rót thêm vốn, nên không ít ngân hàng thất bại trong việc tăng năng lực tài chính như Saigonbank, VietA Bank…
“Mặt khác, chủ trương của NHNN là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính mới có thể cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải M&A”, ông Andy Ho nhìn nhận.