Lên sàn, ngân hàng nhỏ vẫn khó tăng vốn

(ĐTCK) Hoạt động thiếu hiệu quả, cổ phiếu chưa thu hút được nhà đầu tư… là một trong những lý do khiến các ngân hàng nhỏ khó tăng vốn điều lệ thời gian qua. Trong bối cảnh quá trình thoái vốn tại lĩnh vực ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh lộ trình của Thông tư 36/2014/TT-NHNN hay quy chuẩn Basel II, nâng cao năng lực tài chính sẽ vẫn là bài toán nan giải với nhóm ngân hàng này thời gian tới.
Lên sàn, ngân hàng nhỏ vẫn khó tăng vốn

Không cải thiện được năng lực tài chính sẽ khó tồn tại

Thực tế cho thấy, hoạt động thoái vốn của cổ đông Nhà nước đã gây sức ép lớn lên cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ, vốn đã ở mức thấp từ trước khi việc thoái vốn ngoài ngành được đẩy mạnh. Vì thế, dù giá bán dưới mệnh giá, vẫn rất ít nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu này.

Ngay cả khi cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, thì chỉ những cổ phiếu của các “ông lớn” là được hưởng lợi.

Hiện tại, các ngân hàng nhỏ còn nhiều vấn đề cần phải xử lý, tiêu biểu là nợ xấu. Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa có kết quả đáng kể, trong khi trích lập dự phòng của các ngân hàng ngày càng gia tăng.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng “0 đồng”. Để xử lý các ngân hàng yếu kém, NHNN yêu cầu một số ngân hàng lớn phải hỗ trợ việc tái cơ cấu các ngân hàng này.

Các ngân hàng cũng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn, nhưng xem ra kỳ vọng này khó thành   

Nhưng với diễn biến thị trường hiện nay, khó có thể đẩy mạnh hoạt động sáp nhập, hợp nhất như trước đây, mà nhiều khả năng NHNN sẽ chỉ đạo thực hiện từng bước.

Vấn đề cốt lõi của ngành ngân hàng hiện nay chính là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. NHNN đề xuất Chính phủ trình Quốc hội luật riêng để tháo gỡ khó khăn trong phát mãi tài sản, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhưng điều này cũng khó tạo hiệu ứng tức thì, nhất là trong trường hợp thị trường bất động sản không gặp thuận lợi.

Vì vậy, điều kiện cần trong phát mãi tài sản là làm thế nào để hoạch toán được theo giá thị trường mới có thể đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu, từ đó lành mạnh hóa hệ thống. Để thực hiện được điều này, nhất thiết phải xử lý sớm các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là khi việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế Basel II đang cận kề.

Lên sàn, ngân hàng nhỏ vẫn khó tăng vốn ảnh 1

 TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính ngân hàng,  Trường Đại học Mở TP. HCM

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng nhỏ rất khó để cải thiện năng lực tài chính. Thực tế cho thấy, các ngân hàng này đã không thể tăng vốn trong nhiều năm qua, dù được cơ quan quản lý chấp thuận.

Áp lực tăng vốn để đáp ứng Basel II đang khiến các ngân hàng phải đau đầu trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay. Thời gian quy định cho tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn Basel II là vào cuối năm 2018, thay vì chỉ có 10 nhà băng thí điểm như hiện nay.

NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay là triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, tiếp tục nghiên cứu triển khai Basel II tại Việt Nam, tăng cường minh bạch hóa theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, tăng vốn được xem là vấn đề vô cùng cấp bách với các ngân hàng.

Giá cổ phiếu ngân hàng năm nay khó kỳ vọng có sự đột biến, trừ một số cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB,  ACB, MB, CTG, BID…   

Không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả ngân hàng có tiềm lực vốn lớn cũng chịu áp lực tăng vốn. Tuy nhiên, áp lực này rõ ràng lớn hơn nhiều đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, có vốn điều lệ chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn so mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đã có sự hồi phục, song nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm đến các cổ phiếu của những ngân hàng lớn đã xử lý xong nợ xấu, hoạt động kinh doanh cải thiện. Trong khi thực tế, hoạt động của ngành ngân hàng có rủi ro nhất định.

Nợ xấu vẫn là gánh nặng của ngành ngân hàng, trong đó những “tên tuổi” như Sacombank, Eximbank… hiện vẫn “ôm” lượng lớn nợ xấu. Cổ phiếu của 2 ngân hàng này tăng trở lại thời gian qua chủ yếu do tác động từ các thông tin liên quan đến việc bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.

Thúc lên sàn, huy động vốn vẫn khó

Để kỳ vọng tăng được vốn điều lệ, cơ quan quản lý đã thúc đẩy các ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM và chờ thời gian phù hợp sẽ niêm yết trên sàn chính thức.

Cụ thể, thực hiện quy định Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM (thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết) vào cuối năm 2016, các ngân hàng đã gấp rút đăng ký với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong đó một số ngân hàng dự kiến tiến hành niêm yết ngay trên sàn chính thức trong năm nay.

Đối với những nhà băng chưa niêm yết, việc đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ sớm được triển khai sau khi được cổ đông thông qua (Kienlongbank, VPBank, VietA Bank, VIB…).

Việc niêm yết trên sàn chính thức, hay giao dịch trên UPCoM là cần thiết để minh bạch thông tin hoạt động, tạo sự cạnh tranh, cũng như nâng cao kỳ vọng huy động được vốn.

Lên sàn, ngân hàng nhỏ vẫn khó tăng vốn ảnh 2

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, các doanh nghiệp, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, đều phải lên sàn UPCoM, nhưng không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, cũng như minh bạch thông tin về các báo cáo tài chính.

NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương và lộ trình các ngân hàng thương mại phải lên niêm yết trên sàn chứng khoán trong những năm trước đây, không phải đợi đến hiện nay.

Vì vậy, với một số ngân hàng, thay vì lên UPCoM đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức (HOSE hoặc HNX).

Các ngân hàng cũng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn, nhưng xem ra kỳ vọng này khó thành. Bởi các nhà đầu tư hiện nay đã có cái nhìn sát với thực tế hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, không chỉ với thông tin lên sàn sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Thêm một thách thức khác, đó là trong khi các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực để tăng năng lực tài chính trước bối cảnh nhà đầu tư chưa mấy mặn mà trở lại, thì nhiều tổ chức lại đua nhau rút vốn nhằm đáp ứng quy định thoái vốn ngoài ngành của Nhà nước.

Chẳng hạn, Tập đoàn VNPT và Agribank tiến hành đấu giá để thoái hết cổ phần tại các ngân hàng Maritime Bank và OCB hồi tháng 3/2017 theo quy định tại Nghị định số 25/2016/NĐ-CP.

Được biết, tại ngày 28/10/2016, VNPT nắm 71.577.141 cổ phiếu Maritime Bank, chiếm 6,09% vốn của ngân hàng này. Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ 390.665 cổ phần OCB đáng sở hữu với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong quý III/2016, Vinamilk đã bán thành công toàn bộ hơn 2 triệu cổ phần ABBank nắm giữ…

Dự báo năm nay, nhiều tổ chức sẽ tranh thủ thị trường chứng khoán khởi sắc để tiếp tục thoái vốn, nhất là tại các ngân hàng nhỏ. Vì thế, không chỉ chịu áp lực tăng vốn, mà các nhà băng nhỏ còn chịu thêm sức ép thoái vốn.

Trong khi đó, giá cổ phiếu ngân hàng năm nay khó kỳ vọng có sự đột biến, trừ một số cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB,  ACB, MB, CTG, BID…

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Mở TP. HCM
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục