Áp lực lạm phát cuối năm rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2017 (ngoại trừ năm 2021), nhưng theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), áp lực lạm phát cuối năm rất lớn.

Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang chịu áp lực lạm phát, nhưng dường như Việt Nam miễn dịch với “bóng ma” lạm phát, thưa bà?

Lạm phát bắt đầu quay trở lại đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt đối với nền kinh tế lớn kể từ đầu năm 2021. Còn tại Việt Nam, CPI quý I/2022 tăng 1,92%, tuy cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,29% của quý I/2021, nhưng thấp hơn mức tăng của quý I kể từ năm 2017. Đây là kết quả của việc chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng; Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí...

Thực tế, những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà Việt Nam thực hiện như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí... cũng đã được nhiều nước thực hiện, thậm chí gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ còn lớn hơn Việt Nam nhiều lần?

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Kể từ đầu năm 2021, thời điểm làn sóng Covid-19 thứ tư với mức độ nguy hại khủng khiếp chưa đổ bộ vào nước ta, các nước phát triển về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh do độ bao phủ vắc-xin rất rộng, kinh tế bắt đầu phục hồi, đã đẩy lực cầu lên cao sau một năm bị dồn nén. Cùng với đó, các quốc gia liên tiếp tung ra các gói tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu dùng, để vực dậy nền kinh tế cũng như người dân, doanh nghiệp, khiến cầu vốn đã tăng do kinh tế phục hồi lại tiếp tục tăng.

Thêm vào đó, cầu nguyên, nhiên, vật liệu là đầu vào của sản xuất, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, tăng liên tục do cung không đủ cầu và bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá thành sản xuất tăng; giá vận chuyển cũng tăng do xăng dầu và chi phí logistics tăng. Kinh tế thế giới đang chịu tác động tiêu cực bởi xung đột Nga - Ukraine cùng với sự trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU và các nền kinh tế phát triển khác áp đặt cho Liên bang Nga đã đẩy giá năng lượng trên thế giới tăng cao chưa từng thấy.

Là nền kinh tế có độ mở rất lớn, Việt Nam cũng chịu tác động từ bên ngoài, nhưng do gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân rất nhỏ, nên không tạo áp lực lên lạm phát, thu nhập của người dân bị giảm liên tiếp trong 2 năm qua khiến cầu thấp. Cụ thể, trong quý I năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá, thì chỉ còn tăng 1,6%, là mức tăng rất thấp, thậm chí còn thấp hơn quý I/2021 (tăng 2%).

Còn có nguyên nhân nào nữa không, thưa bà?

Có một yếu tố rất quan trọng, nhưng mọi người không để ý khi so sánh CPI của Việt Nam với các nước khác, đặc biệt những nước phát triển, đó là quyền số tính CPI không nước nào giống nước nào, đặc biệt tại những nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế phát triển.

Cụ thể, với các nước phát triển, người dân chi tiêu rất nhiều cho dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch, giao thông, nhà cửa, chất đốt, ăn uống ngoài gia đình..., nên quyền số tính CPI trong rổ hàng hóa, dịch vụ rất cao. Những loại hàng hóa, dịch vụ này tăng liên tục kể từ đầu năm 2021 đến nay khiến CPI của EU, Nhật Bản, Anh quốc... tăng mạnh.

Ngược lại, với những nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, người dân dành phần lớn chi tiêu cho giáo dục, y tế, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày, nên quyền số tính CPI những nhóm hàng hóa này rất cao. Trong làn sóng tăng giá, Việt Nam vẫn bảo đảm nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, nên giá cả ổn định.

Cũng phải nói thêm rằng, so với các nước trong khu vực có trình độ kinh tế tương đồng như Indonesia, Philippines, Malaysia, thì CPI của Việt Nam không phải là thấp.

Nói như vậy thì việc kiểm soát CPI năm nay dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra không quá lo ngại?

Ngược lại là rất đáng lo ngại, vì đang có nhiều diễn biến bất thường. Thông thường, tháng sau Tết Nguyên đán, bao giờ CPI cũng tăng rất thấp, thậm chí còn giảm so với tháng trước đó do cầu giảm. Nhưng tháng 3 năm nay, CPI tăng 0,7% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, ngoại trừ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, còn lại đều tăng giá. Trong quý I/2022, giá xăng dầu tăng 48,81%, làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm. Trong đó, riêng tháng 3/2022, giá xăng dầu tăng 13,44% so với tháng trước, làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm và chỉ số nhóm giao thông tăng tới 4,8%.

Là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, ngũ cốc làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất phân bón, sắt thép, nguyên liệu là đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, Liên bang Nga đang bị các nước phương Tây thắt chặt “vòng kim cô” kinh tế, sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới bị giảm mạnh. Giá cả những mặt hàng này tăng tác động rất lớn đến nước ta, do nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải nhập khẩu. Vì vậy, giữ được lạm phát dưới 4% là vô cùng khó khăn do áp lực cực lớn.

Theo bà, cần những giải pháp nào để hạn chế tiêu cực từ bên ngoài?

Cần xem xét tạm ngừng tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trong năm nay không nên tăng học phí, viện phí. Các cơ quan hữu quan phải kiểm soát chặt chẽ giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để kịp thời ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu.

Cuối cùng, phải xây dựng kịch bản ứng phó với sự biến động của giá xăng dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng. Và trong mọi trường hợp, phải bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu 24/7 ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu để thiếu xăng dầu dù chỉ một ngày, hệ lụy vô cùng lớn đối với kinh tế, xã hội và kiểm soát giá.

Mạnh Bôn thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục