Lạm phát tăng có nên thắt chặt chính sách tiền tệ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương có xu hướng thắt chặt. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Mức lạm phát tháng 2/2022 là 1,4% so với cùng kỳ năm trước Mức lạm phát tháng 2/2022 là 1,4% so với cùng kỳ năm trước

Giá nhiều loại hàng hoá tại Việt Nam tăng cao, đặc biệt sau những lần giá xăng, dầu lập đỉnh mới, dẫn tới những quan ngại về lạm phát. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề lạm phát hiện nay?

Từ cuối năm ngoái đến nay, chỉ trong vòng 3 tháng, giá xăng ở Việt Nam tăng khoảng 30%, mặc dù giá dầu thô tăng khoảng 58%. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá dầu thô thế giới tăng và một phần bởi nguồn cung của thị trường Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước, sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ tháng 1/2022. Sự đình trệ của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến còn kéo dài.

Giá xăng dầu tăng có tác động rất lớn tới nhiều loại hàng hoá khác nhau. Một số cơ quan đã có tính toán về tác động này bằng các mô hình toán hội tụ cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát sẽ tăng lên 0,33 - 0,36%. Đối với 10% giá xăng dầu tăng lần thứ hai, lạm phát sẽ tăng 0,27 - 0,30% và 10% giá xăng dầu tăng tiếp theo sẽ làm lạm phát tăng 0,23 - 0,25%. Tổng cộng, nếu giá xăng dầu tăng 30%, lạm phát sẽ tăng 0,83 - 1%. Tương tự như vậy, GDP sẽ giảm 1,1 - 1,3%.

Theo dự đoán của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, giá dầu thế giới có thể không tiếp tục tăng, mà dao động ở vùng giá cao (120 USD/thùng). Vì vậy, tác động của giá xăng, dầu đối với lạm phát ở Việt Nam như đã tính toán ở trên là có thể chấp nhận được.

Nhưng giá nhiên liệu duy trì ở mức cao sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, thưa ông?

Giá xăng, dầu thế giới tăng tác động trực tiếp đến giá xăng, dầu trong nước vì Việt Nam nhập siêu sản phẩm này khoảng 7,5 tỷ USD trong năm ngoái và năm nay có thể cao hơn, dự kiến 9 - 10 tỷ USD, do ảnh hưởng nguồn cung ở Nghi Sơn như đã đề cập.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, hoạt động thương mại của Việt Nam bị tác động rõ rệt. Nhập khẩu xăng, dầu trong tháng 2/2022 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi Bộ Công thương ban hành quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu mét khối trong quý II/2022.

Tuy nhiên, so với nhiều nước khác trên thế giới, mức nhập siêu xăng, dầu của Việt Nam không lớn nhờ chủ động được một phần nguồn cung trong nước. Được biết, ngoài tăng nhập khẩu, Chính phủ cũng lên kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia.

Mức lạm phát tháng 2/2022 là 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng (trên 15%). Liệu mục tiêu lạm phát dưới 4% có được duy trì trong năm 2022?

Bình quân năm 2021, lạm phát tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016 - 2021) quả là áp lực lớn đối với lạm phát năm 2022. Nhưng với mô hình toán hội tụ trên, giả định giá xăng, dầu tăng 30%, lạm phát tăng khoảng 1%, thì mức tăng thêm của lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 vẫn dưới con số 4%, nếu không có những biến động lớn về địa chính trị. Đây là mức lạm phát đã được dự tính trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, cũng là mức mà Ngân hàng Nhà nước dự tính trong kế hoạch của chính sách tiền tệ.

Như vậy, chính sách tiền tệ chưa nên thắt chặt?

Trên thế giới đang có động thái thắt chặt tiền tệ tại một số ngân hàng trung ương do các quốc gia này gặp những khó khăn lớn như Mỹ hứng chịu tình trạng siêu hạn hán, hay cuộc chiến Nga - Ukraine khiến nguồn cung về lương thực, thực phẩm giảm mạnh, kéo theo giá lương thực tăng. Tuy nhiên, yếu tố này ít tác động đến Việt Nam.

Trong xu thế các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt và chưa cần đến những biện pháp thắt chặt, ít nhất là trong năm 2022.

Thực tế cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng không phải nới lỏng, mà là ổn định, linh hoạt. Trong xu thế các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt và chưa cần đến những biện pháp thắt chặt, ít nhất là trong năm 2022. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14 - 15%, lãi suất cho vay có thể tăng nhưng không quá 0,5% và tỷ giá hối đoái về cơ bản ổn định so với USD.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát mà đặt vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tạo tâm lý thất vọng đối với các doanh nghiệp vừa mới quay trở lại hoạt động sau một thời gian dài giãn cách do dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang áp dụng nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ lực lượng này.

Ông cho rằng, lãi suất có thể tăng, nhưng doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sẽ cần đến nhiều sự hỗ trợ, đặc biệt là vay vốn giá rẻ?

Thực tế, không còn dư địa giảm lãi suất từ phía cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành để giảm lãi suất huy động. Khi kinh tế phục hồi, tự động lãi suất sẽ tăng lên do nhu cầu đầu tư tăng, tiêu dùng lớn hơn. Chính vì vậy, giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh là điều rất khó thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, áp lực lạm phát là hiện hữu, nên việc giảm lãi suất càng khó triển khai, trừ phi Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền mạnh, cho vay tái cấp vốn, nhưng điều này đồng nghĩa với việc gánh chịu lạm phát trong tương lai.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất cần phải được xúc tiến nhanh hơn để đồng hành với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn và đang chịu áp lực lớn về giá xăng, dầu, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu. Đồng thời, những biện pháp này nếu được thực hiện sớm cũng sẽ có tác dụng hỗ trợ chính sách tiền tệ trong bối cảnh chịu áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn, hoãn nợ. Đây không phải là chính sách tiền tệ, mà là các biện pháp tín dụng của các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nhằm vượt qua những khó khăn tạm thời. Mặc dù vậy, các biện pháp này nên được thu hẹp dần để bước sang giai đoạn chặt chẽ hơn về dư nợ tín dụng. Được biết, hiện 16 ngân hàng có dư nợ tín dụng cao đang được Ngân hàng Nhà nước theo dõi.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục