Gói hỗ trợ và trách nhiệm của chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Nếu nhìn vào tổng quy mô gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, không ít người cho rằng, giải pháp tiền tệ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Song theo người viết, trách nhiệm của chính sách tiền tệ rất nặng nề từ cả nguồn tín dụng và hiệu ứng phụ.
Gói hỗ trợ và trách nhiệm của chính sách tiền tệ

Nguồn tín dụng

Theo tính toán sơ bộ, lượng tín dụng đưa ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm lên đến 2 triệu tỷ đồng. Về vị thế, các ngân hàng thương mại vừa là doanh nghiệp (kinh doanh tiền tệ), vừa là trung gian tài chính (đi vay tổ chức, cá nhân để cho các tổ chức, cá nhân khác vay). Vị thế đặc biệt này có 3 điểm đáng quan tâm.

Thứ nhất, là doanh nghiệp, thì ngoài các mục tiêu khác, các ngân hàng thương mại cũng có mục tiêu không khác các doanh nghiệp thông thường khác là lợi nhuận để lo phúc lợi, khen thưởng và tích lũy tái đầu tư mở rộng kinh doanh… Nếu không có lợi nhuận, thì không những không đạt được mục tiêu trên, mà còn dẫn đến ăn vào vốn, thậm chí phá sản…

Thứ hai, là trung gian tài chính, ngân hàng thương mại phải bảo đảm tính thanh khoản của mình, trên cơ sở trung hòa lợi ích của người cho vay (thu hút tiền gửi) và người đi vay (tăng trưởng tín dụng). Nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động, thì cần xem xét tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại và lãi suất huy động. Khi tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng, cần xem xét sự hấp thụ vốn của người đi vay.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa là cơ quan quản ký nhà nước về tiền tệ - tín dụng, vừa là ngân hàng trung ương của các ngân hàng thương mại. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN thông qua các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Với vai trò là ngân hàng trung ương của các ngân hàng thương mại, NHNN thông qua các công cụ nghiệp vụ, như dự trữ bắt buộc, lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm… Các vai trò này cũng nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại về nguồn tín dụng.

Hiệu ứng phụ

Một lượng tín dụng lớn ra lưu thông, cùng với giải pháp tài khóa hỗ trợ, chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội, đồng thời sẽ có hiệu ứng phụ. Hiệu ứng phụ có nhiều, nhưng tập trung vào một số vấn đề chủ yếu có liên quan đến tiền tệ - tín dụng.

Lạm phát là hiệu ứng phụ lớn nhất, bởi một số yếu tố chủ yếu. Cầu kéo tăng cao cả về đầu tư, cả về tiêu dùng cuối cùng. Đầu tư tăng từ cả 3 nguồn: từ Nhà nước, đặc biệt tăng lớn từ đầu tư công, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn từ ngoài Nhà nước tăng từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tập thể, khu vực hộ kinh tế cá thể…; nguồn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tiêu dùng cuối cùng không còn giảm như cả năm 2021, mà tiếp tục đà tăng cao lên của quý IV nhờ gói hỗ trợ với các giải pháp giảm thuế VAT, hỗ trợ xã hội… Về chi phí đẩy, tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và giá sản xuất cao hơn nhiều tốc độ tăng giá tiêu dùng - tức là chưa chuyển vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, cộng hưởng với nhập khẩu lạm phát trong năm nay… sẽ gây áp lực lên giá tiêu dùng.

Về tiền tệ - tín dụng, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP năm 2021 (đánh giá lại) đã ở mức rất cao (khoảng 135%); nay với gói “cấp bù lãi suất” 2% của tài khóa sẽ kéo thêm một lượng tín dụng lớn, lên đến hàng triệu tỷ đồng/năm, làm cho lượng tiền từ ngân hàng ra lưu thông rất lớn.

Trong khi tiền lưu thông vào ngân hàng tăng chậm do lãi suất tiền gửi thấp trong hơn một năm trước, từ cuối năm trước vẫn tăng lên, nhưng chưa đủ hấp dẫn, nên tính chung tiền từ ngân hàng ra lưu thông lớn hơn tiền lưu thông vào ngân hàng.

Trong lưu thông, tiền nhiều hơn hàng sẽ làm cho lạm phát tăng. Khi lạm phát tăng, thì vòng quay tiền tệ sẽ chuyển từ thấp sang cao, càng làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên, càng gây áp lực đối với lạm phát. Đáng lưu ý, do sự chuyển động của dòng tiền trong thời gian qua đã được “lái”, “chôn” vào vàng, tiền ảo, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, gây sức ép lên việc tăng giá ở thị trường này.

Một hiệu ứng phụ lớn khác là nợ xấu của ngân hàng thương mại tăng lên. Điều này được nhận diện dưới 2 góc độ. Ở góc độ thứ nhất, do dư nợ tín dụng cao lên, dù tỷ lệ nợ xấu không tăng, nhưng quy mô tuyệt đối của nợ xấu cũng sẽ tăng. Ở góc độ thứ hai, nếu không “trông giỏ bỏ thóc” mà đưa tín dụng vào các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ; nếu không kiểm soát tốt, sẽ không đầu tư vào sản xuất - kinh doanh mà vào các lĩnh vực rủi ro…, thì làm cho nợ xấu gia tăng, thậm chí làm cho ngân hàng không an toàn, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống…

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục