Gói hỗ trợ tiền vay đã rõ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều thông tin hơn.
Sacombank đang triển khai gói cho vay doanh nghiệp xuất khẩu lãi suất dao động từ 4 - 6,7%/năm Sacombank đang triển khai gói cho vay doanh nghiệp xuất khẩu lãi suất dao động từ 4 - 6,7%/năm

Lãi suất cho vay hạ thêm

Đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 tới nay tiếp tục “quật ngã” nhiều doanh nghiệp. Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác. Điểm đáng chú ý trong văn bản trên là các tổ chức tín dụng phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Tính đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng.

Mới đây, BIDV công bố gói cho vay 50.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,2% một năm. Sacombank cũng vừa đưa ra gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức lãi suất dao động từ 4 - 6,7%/năm, phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động, thời hạn vay...

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận xét, lãi suất cho vay ảnh hưởng rất lớn tới các kế hoạch kinh doanh và tiêu dùng của người dân, nhất là trong bối cảnh thị trường chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, việc ngân hàng xem xét giảm lãi suất tác động tích cực lên thị trường.

Với khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm mà PVcomBank đang áp dụng cho gói vay 9.000 tỷ đồng được xem là khá cạnh tranh trên thị trường. Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh lãi suất cho vay dành cho nhóm khách hàng này. Lãi suất vay mua nhà thế chấp trung bình tại Nam A Bank áp dụng từ 6,99 - 9%/năm. Hay Vietbank triển khai gói vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7%/năm cho khách hàng cá nhân trong 3 tháng đầu và 7,5%/năm trong 6 tháng đầu, cố định 12 tháng là 8,5%/năm và cố định 24 tháng 10%/năm với tổng hạn mức lên đến 2.000 tỷ đồng (dành cho gói ngắn hạn) và 2.000 tỷ đồng (dành cho gói trung và dài hạn)...

Việc công khai lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh tác động, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng nắm bắt khi có nhu cầu vay vốn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng, với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đến 31/5/2021 đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng, với dư nợ 4.363 tỷ đồng; cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.

Hỗ trợ khách hàng, trọng tâm của ngành ngân hàng

Kể từ tháng 4 tới nay, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đã có không ít khách hàng được vay với lãi suất ưu đãi hơn. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, áp lực trả nợ đối với nhiều khách hàng vẫn lớn, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến hết năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho hay, ngành du lịch Thành phố rơi vào trạng thái gần như tê liệt cả năm nay, không có doanh thu, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng vẫn rất lớn. Năm 2020, chỉ có 10/50 doanh nghiệp lữ hành ở TP. HCM được giảm lãi suất cho vay theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã cho phép kéo dài thời hạn cơ cấu khoản nợ thêm 12 tháng, song theo bà Khánh, vẫn chưa thể giải quyết được khó khăn của ngành du lịch và các ngành liên quan như vận tải. Do đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đưa ra cơ chế vay đặc thù cũng như giảm lãi vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cụ thể, giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ…

Trước đó, đầu tháng 6/2021, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã đầu tư phương tiện, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Theo đơn vị này, việc giãn cách xã hội để phòng chống làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt giảm sâu và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có, song các khoản chi phí lớn phải trả như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm dân sự cho phương tiện, phí bến bãi, lương cho đội ngũ lái xe, nhân viên... đến hạn vẫn phải thanh toán.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Đại điện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm bổ sung các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn, giảm lãi suất cho vay cũng như đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...

Trước các kiến nghị trên của doanh nghiệp, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ được đặt lên trọng tâm của ngành ngân hàng Thành phố kể từ nay cho đến cuối năm 2021. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 sẽ là cơ sở để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và miễn giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp khó khăn. Dự kiến, đến cuối năm sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được hưởng lợi từ chương trình này, tương đương 500.000 khách hàng vay vốn.

Tại TP.HCM, tính đến ngày 19/5/2021, các ngân hàng đã tiếp nhận 780 hồ sơ xin hỗ trợ miễn, giảm lãi, cơ cấu lại khoản nợ gửi về từ các sở ngành; trong đó, có 93 trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2 - 2%/năm; 21 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 47 trường hợp được cho vay mới; 4 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 20 khách hàng được hỗ trợ nhiều hình thức (tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu nợ...).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, hiện thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất hiện tại, khuyến khích tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục