Đua nhau khất nợ
Trên một group về trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư truyền nhau thông tin nhiều mã trái phiếu FLC, Mai Viên - phân phối qua Ngân hàng - đến ngày đáo hạn không thanh toán được cả gốc và lãi và xin gia hạn thêm 6 tháng.
Hưng Thịnh Land có các lô trái phiếu đến hạn thanh toán nợ gốc vào tháng 3/2023, đã đại hội trái chủ xin lui 6 tháng, trả dần mỗi tháng một lần, nhưng tháng 4 vừa rồi chỉ trả được 2%, tức bằng 1/10 số tiền lẽ ra họ phải trả các trái chủ. Hay trái phiếu Becamex, trái phiếu Hải Phát Invest đã quá hạn thanh toán và xin gia hạn thêm 6 tháng.
Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mua lại trái phiếu và đã thông báo cho nhà đầu tư, nhưng đến giờ cũng chào thua.
Công ty Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăkpsi, một doanh nghiệp có liên quan đến ông Vũ Quang Bảo, Phó chủ tịch Tập đoàn Bitexco, có kế hoạch mua lại lô trái phiếu vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, đến hạn doanh nghiệp thông báo không thực hiện được do ngân hàng nước ngoài thay đổi kế hoạch tài trợ vốn.
Theo thống kê của Finn Group, tính đến ngày 4/5/2023, thị trường đã ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, nhiều doanh nghiệp đã khất nợ và xin gia hạn thời gian trả lãi, gốc trái phiếu. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng, chia làm 3 đợt kéo dài từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023.
Một số doanh nghiệp lại kết hợp với Ngân hàng VPBank đưa giải pháp gỡ tắc dòng tiền cho nhà đầu tư trái phiếu theo hình thức khá đặc biệt. Đó là nhà đầu tư dùng trái phiếu làm tài sản đảm bảo, vay vốn tại VPBank với tỷ lệ chiết khấu 10 - 15%.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Theo thống kê của Finn Group, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu trị giá 671 tỷ đồng được phát hành, đến từ Công ty cổ phần North Star Holdings.
Quy mô phát hành của tháng chỉ tương đương 2,5% so với tháng trước và 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản, có kỳ hạn 16 tháng, với lãi suất 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.
Giá trị trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,61% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại trong tháng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại tại thời điểm tháng 4/2023.
Do đặc thù trái phiếu ngân hàng ít rủi ro nên hoạt động mua lại của các ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn cho thấy khối doanh nghiệp vẫn rất khó khăn về nguồn vốn. Cán bộ phụ trách tài chính của một tập đoàn bất động sản lớn cho hay, hiện tập đoàn này chỉ cố gắng co kéo để trả được lãi cho ngân hàng vì vi phạm nghĩa vụ trả lãi sẽ bị nhảy nhóm nợ xấu, còn vi phạm trả lãi với các trái chủ không bị nhảy nhóm nợ nên cứ đến hạn, doanh nghiệp lại xin khất nợ.
Việc xin ý kiến gia hạn lãi, gốc các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện qua đường văn bản nên trái chủ cũng không có cơ hội đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp để cập nhật hoạt động doanh nghiệp cũng như chất vấn về các vấn đề liên quan.
Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM) phát hành gói trái phiếu 2.100 tỷ đồng mã BNPCH2123002 kỳ hạn 20 tháng, đáo hạn tháng 6/2024. Kỳ trả lãi 3 tháng/lần và gần nhất vào tháng 4/2023, doanh nghiệp chỉ thanh toán được 20%. Công ty này đưa ra các điều kiện để lấy ý kiến trái chủ như kéo dài 1 năm kỳ hạn trái phiếu, ngày đáo hạn mới được điều chỉnh thành ngày 4/6/2024, không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu, không áp dụng tiền lãi phạt chậm trả của phần tiền lãi trái phiếu chưa được thanh toán; chỉ trả 20% lãi mỗi kỳ, 80% dồn lại trả vào thời điểm đáo hạn mới. Nếu khách hàng không đồng ý với phương án trên, có thể đổi sang sản phẩm bất động sản.
Việc tổ chức phát hành không đàm phán, không đối thoại với khách hàng mà đơn phương áp đặt các điều kiện mới như trên khiến trái chủ bức xúc. Kết quả là, nhiều trái chủ bỏ phiếu không tán thành và phương án BNP đưa ra không được thông qua.
Khi rơi vào những trường hợp như trên, doanh nghiệp sẽ bị tuyên vỡ nợ trái phiếu, nhưng theo các trái chủ sở hữu trái phiếu trên, đến nay, Công ty Chứng khoán TVSI - đại diện người sở hữu trái phiếu - vẫn “ngồi im”.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận)”. Quy định là như vậy, nhưng hành trình đòi nợ của những trái chủ chọn cách này vô cùng gian nan vì tổ chức phát hành thường “mặc kệ”. Luật sư Nguyễn Hoàng Hà, phụ trách Văn phòng Luật sư Hà My cho biết, muốn xử lý được thường nhà đầu tư phải khởi kiện ra tòa, vô cùng tốn kém và mất thời gian.
Theo thống kê, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn sẽ dồn mạnh vào giai đoạn từ tháng 6 - 9/2023, với mức đáo hạn từ 25.000 - 35.000 tỷ đồng/tháng. Riêng tháng 5, lượng trái phiếu đáo hạn là hơn 18.000 tỷ đồng. Dù có “bình oxy” từ Nghị định 08, song các doanh nghiệp vẫn chịu áp lực trả nợ trái phiếu nếu muốn lấy lại uy tín và trụ được trên thương trường.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận xét, doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu thường mang tiếng xấu trên thị trường, muốn bán được hàng buộc phải xử lý được tiếng xấu này. Dòng tiền để tái cơ cấu nợ do vậy vẫn là bài toán khó buộc các doanh nghiệp phải tìm được lời giải.