Ẩn số “bom nợ” Evergrande

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, câu chuyện về Evergrande trở thành chủ đề nóng trên thị trường vốn toàn cầu. Chỉ có khoảng 20 tỷ USD trong số các khoản nợ của Evergrande là nợ nước ngoài, song giới đầu tư Trung Quốc e ngại rủi ro trong nước, nhất là lĩnh vực bất động sản, vì các khoản nợ của Công ty trải dài trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức giấu tên, đăng thông tin rằng, các nhà chức trách đã yêu cầu chính quyền địa phương chuẩn bị cho sự sụp đổ của Evergrande, khiến thị trường chịu tác động tiêu cực. Một số ngân hàng, công ty bảo hiểm… đã bắt đầu kiểm tra khẩn cấp về mức độ liên quan của họ với những lĩnh vực được cho là sẽ chịu tác động.

Các nhà phân tích tại Societe Generale nhận xét: “Chúng tôi lo ngại những tác động vào nền kinh tế thực và thị trường tín dụng rộng lớn ở Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách càng hành động muộn, rủi ro càng cao”.

Mặc dù không thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cho phép vòng xoáy đi xuống của Evergrande tiếp tục, nhưng nhiều người đã giả định về các tình huống xấu nhất. Shen Meng, Giám đốc Chanson & Co., ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định: “Nếu Evergrande phá sản sẽ gây ra nhiều vấn đề cho lĩnh vực bất động sản. Các nỗ lực thu hồi nợ của các chủ nợ sẽ dẫn đến việc bán tài sản và làm giá nhà đất bị ảnh hưởng. Biên lợi nhuận trên toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ giảm mạnh, từ đó có thể dẫn đến tình trạng bán tháo trên thị trường vốn”.

Shen Meng và gần như tất cả các chủ ngân hàng, nhà phân tích và nhà đầu tư đều cho rằng, thay vì để cho sự sụp đổ hỗn loạn, các cơ quan quản lý sẽ cơ cấu lại đống nợ 300 tỷ USD của Evergrande để giữ rủi ro hệ thống ở mức tối thiểu.

Chính phủ Trung Quốc có thể thực thi việc tiếp quản các công ty từ khu vực tư nhân nếu cần. Họ đã từng tiếp quản Baoshang Bank Co. vào năm 2019 và nắm quyền kiểm soát HNA Group Co., tập đoàn lừng lẫy một thời vào đầu năm 2020 sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp. Việc tái cơ cấu do tòa án chủ trì cũng phổ biến hơn trong những năm gần đây, với trên 700 vụ được thực hiện chỉ riêng năm 2020.

Dù vậy, một phương án hoàn hảo khó được đảm bảo. Cuộc giải cứu thị trường chứng khoán đang bị rối loạn của Bắc Kinh vào năm 2015 cho thấy các nhà hoạch định chính sách khó kiểm soát lĩnh vực tài chính như thế nào, ngay cả trong hệ thống tài chính Trung Quốc khi Chính phủ nắm quyền chi phối hầu hết các ngân hàng.

“Chính phủ phải rất, rất cẩn thận trong việc cân đối hỗ trợ cho Evergrande,” Yu Yong, cựu quản lý của Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc và hiện là Giám đốc rủi ro của Quỹ Tái bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc nói và giải thích: “Tài sản là bong bóng lớn nhất mà mọi người hay nói đến ở Trung Quốc. Vì vậy, nếu bất cứ điều gì xảy ra, có thể gây ra rủi ro có hệ thống cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc”.

Được thành lập vào năm 1996 bởi Chủ tịch Hui Ka Yan tại thành phố Quảng Châu, Evergrande đã tăng tốc trong 2 thập kỷ qua để trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu 110 tỷ USD vào năm ngoái. Vùng hoạt động trải dài 31 tỉnh với hơn 1.000 dự án. Cơ cấu cổ đông cho tới 30/6/2021 vẫn do Chủ tịch Hui Ka Yan chi phối, nắm 70% cổ phần.

Trong 5 năm trở lại đây, giá nhà Trung Quốc hạ nhiệt và đặc biệt trong 2 năm qua khi chính phủ nước này thi hành chiến lược giảm đòn bẩy cho nền kinh tế, nhu cầu nhà sụt giảm, doanh số bán của Evergrande sụt giảm theo.

Khi đó, Tập đoàn đã tìm kiếm tăng trưởng bằng đầu tư ngoài ngành và mở rộng liên tục bằng vay nợ. Những ngành tham gia gồm có y tế, sức khỏe, xe điện, ngân hàng, bảo hiểm, giải trí, đội bóng…, doanh nghiệp đã tăng trưởng cũng như duy trì hệ thống bằng đầu tư tràn lan thiếu kiểm soát. Giá nhà đã giảm 25% làm bào mòn lợi nhuận, dòng tiền và khả năng trả nợ của Tập đoàn.

Khủng hoảng của Evergrande được cho là sẽ tác động tới kinh tế Trung Quốc vì tổng dư nợ của doanh nghiệp chiếm khoảng 2% GDP.

Một điểm đáng chú ý khác là liệu Evergrande có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với các trái phiếu có lãi suất cao mà họ đã bán cho hàng nghìn nhà đầu tư, bao gồm nhiều nhân viên của chính doanh nghiệp hay không?

Theo Caixin, một dịch vụ tin tức tài chính của Trung Quốc, khoảng 40 tỷ nhân dân tệ cần được hoàn trả. Evergrande đang cố gắng có tiền mặt bằng cách bán tài sản, bao gồm cả cổ phần trong các công ty con và ô tô điện, nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Khủng hoảng của Evergrande được cho là sẽ tác động tới kinh tế Trung Quốc vì tổng dư nợ của doanh nghiệp chiếm 2% GDP (GDP Trung Quốc năm 2020 đạt 14.700 USD thì doanh nghiệp này nợ 300 tỷ USD). Với thị trường toàn cầu, tổng lượng nợ trái phiếu của Evergrande khoảng 20 tỷ USD, số đáo hạn năm 2022 là 7,2 tỷ USD.

Linh Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục