Dọn cỗ chờ chàng
Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), Lazada đứng top 5 doanh nghiệp có tổng doanh thu cao nhất.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng, trong Báo cáo này có sự thay đổi về hình thức thống kê. Theo đó, Lazada được xếp chung nhóm với các doanh nghiệp có hoạt động bán lẻ như Thế giới di động, FPT…
Nên nếu chỉ xét về doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh sàn thương mại điện tử theo như cách phân loại của Báo cáo Thương mại điện tử năm 2014, theo một chuyên gia trong ngành, Lazada vẫn được coi là số 1 vì những hoạt động đầu tư rầm rộ trong năm qua.
Với những người sử dụng dịch vụ của Lazada Việt Nam để kinh doanh, nỗi sợ về nguồn hàng Trung Quốc với chi phí tốt hơn từ Alibaba chuyển sang sẽ bót nghẹt đường kinh doanh của họ đang lớn dần.
Chính vì thế, việc Tập đoàn Alibaba đổ 1 tỷ USD để trở thành cổ đông chi phối của Lazada Group hôm 12/4 vừa qua được ví như việc Lazada Group “dọn cỗ” cho Alibaba vào thị trường Việt Nam.
Không cần phải nói thêm nhiều về Tập đoàn Alibaba, mà đứng đầu là doanh nhân Jack Ma, hay còn gọi là Mã Vân. Đây là thương hiệu đã quá quen thuộc với giới kinh doanh thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới.
Năm 1997, Jack Ma cùng 17 người bạn thành lập website Alibaba.com – một hình thức cổng thông tin doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) để kết nối các nhà sản xuất với khách hàng nước ngoài.
Nhưng câu chuyện mà Alibaba của Jack Ma mang đến vượt qua phạm vi một cổng thông tin B2B thuần túy, không phải chỉ là trang web bán hàng hóa hay dịch vụ, mà là tạo dựng được một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh ở Trung Quốc, từ thanh toán, giao nhận cho đến phần mềm quản lý bán hàng dành cho những doanh nghiệp sử dụng Alibaba.com để kinh doanh. Không chỉ thế, Công ty còn vươn vòi sang các lĩnh vực khác như dịch vụ điện toán đám mây, mạng xã hội video….
Cuối năm 2014, Alibaba đã đi vào lịch sử chứng khoán Hoa Kỳ với đợt IPO thành công nhất, giá trị vốn hóa của Công ty lúc đó là 231 tỷ USD, đứng thứ 12 trong số 15 công ty có vốn hóa lớn nhất theo bảng xếp hạng của S&P 500. Mức định giá này của Alibaba cũng vượt xa các đối thủ như Amazon (153 tỷ USD) và eBay (65 tỷ USD).
Mặc dù theo trang tin Bloomberg, giá trị vốn hóa cổ phiếu Alibaba nhanh chóng bị bốc hơi 150 tỷ USD không lâu sau đó vì nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhưng giới đầu tư vẫn tin tưởng vào người đứng đầu Tập đoàn đã mang lời thần trú “vừng ơi mở cửa ra” cho thương mại điện tử ở vùng đất đông dân nhất thế giới.
Một tay không che nổi trời
Nhưng bước chân của Alibaba vào Lazada Group lại mang đến những dự cảm không mấy tươi sáng cho các đối thủ là doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Việt Nam.
Điều này là dễ hiểu khi sức mạnh của thương vụ này không đơn giản là một cộng một, cũng không chỉ là tay to Alibaba tiếp thêm sức mạnh cho Lazada Việt Nam. Với những người sử dụng dịch vụ của Lazada Việt Nam để kinh doanh, nỗi sợ về nguồn hàng Trung Quốc với chi phí tốt hơn từ Alibaba chuyển sang sẽ bót nghẹt đường kinh doanh của họ đang lớn dần.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam trấn an các chủ kinh doanh rằng, Công ty vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh một cách độc lập theo chiến lược chung của Tập đoàn, với sự cân nhắc cho phù hợp với từng thị trường cụ thể.
Việc hợp tác với Alibaba, Lazada Việt Nam sẽ tiếp tục mang nhiều sản phẩm từ khắp thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, lên sàn giao dịch Lazada. Và dù hàng hóa đến từ đâu, mục tiêu cuối cùng, theo cách ông Alexandre Dardy nhấn mạnh, là giúp người tiêu dùng có được những lựa chọn tốt nhất.
“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chính sách không khoan nhượng với những nhà cung cấp không đảm bảo về chất lượng hàng hóa”, ông Alexandre Dardy nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), việc Alibaba nắm cổ phần chi phối Lazada Group sẽ khiến thị trường có nhiều biến động trong thời gian tới.
Điều này buộc các doanh nghiệp trong nước sẽ phải hoàn chỉnh quy trình vận hành, cải thiện thái độ phục vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn nếu còn muốn tham gia cuộc chơi thương mại điện tử. Ở góc độ cạnh tranh, đây lại là tín hiệu tốt cho thị trường và người tiêu dùng.
Ông Dũng cũng cho rằng, sẽ không có chuyện hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng tràn ngập trên Lazada Việt Nam, vì kinh doanh là dựa trên sức mua, hành vi người tiêu dùng. Trong kinh doanh trực tuyến, kiếm và giữ chân khách rất tốn chi phí. Lazada Việt Nam sẽ không dại dột đi ngược lại xu hướng và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam để bị tẩy chay.
“Bản thân Alibaba vốn là một sàn theo mô hình B2B, giờ họ muốn gia nhập vào lĩnh vực B2C (doanh nghiệp với khách hàng) nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ nhúng tay chi phối mọi hoạt động. Không nhà đầu tư nào mua sản phẩm rồi bóp chết nó”, ông Dũng phân tích.
Cũng phải nói thêm, không cần đến Alibaba vào Việt Nam, hàng Trung Quốc vẫn len lỏi từng ngóc ngách ở thị trường trong nước. Mặt khác, doanh số thương mại điện tử Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 3% tổng mức bán lẻ cả nước, nên nhìn chung không phải quá quan ngại khi Lazada về chung nhà với Alibaba.
Thậm chí, giới thương mại điện tử kỳ vọng rằng, với sự hiểu biết về vận hành, Alibaba sẽ kiềm thói quen tung tiền tiếp thị của cô “vợ” Lazada. Thị trường sẽ không còn những đợt khuyến mãi dồn dập trong thời gian qua. Điều này có nghĩa là sân chơi sẽ trở nên công bằng cho những doanh nghiệp còn lại.
Còn ở góc độ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ như thế nào? Chủ doanh nghiệp có 4 năm kinh doanh mặt hàng phụ kiện điện tử cho biết, ông kỳ vọng việc Alibaba vào Việt Nam sẽ giúp nguồn hàng dồi dào hơn, thời gian vận chuyển nhanh hơn. Kinh doanh trực tuyến, theo ông quan trọng nhất là chăm sóc khách hàng, cải thiện dịch vụ bán hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ đang có xu hướng phát triển nhiều kênh bán hàng trực tuyến chứ không phụ thuộc vào một kênh, nên việc Lazada Group bị Alibaba thâu tóm trước mắt không ảnh hưởng gì nhiều.