Thời sinh viên, tôi có cậu bạn quê ở miền Trung, mỗi khi Tết đến, nó không về mà tranh thủ ở lại Sài Gòn để đi làm thêm, kiếm ít tiền phụ giúp bố mẹ ở quê.
Có lần tôi hỏi: Tết ở lại đây có buồn lắm không. Nó nhìn tôi rồi cười méo xẹo bảo: Mày phải trải qua cảm giác đó, cái cảm giác 12h đêm Giao thừa, tiếng pháo hoa nổ đùng đoàng, sáng rực nhưng trong lòng trống trải, xung quanh đều là người xa lạ. Lúc đó mới thèm cảm giác đoàn tụ với gia đình đến ngây dại, không khóc mà nước mắt cứ trào ra.
Thực ra, lúc nghe nó nói vậy, tôi cũng chỉ biết ậm ừ, chứ cũng chẳng biết làm sao. Bởi lúc đó, tôi chưa năm nào ăn Tết xa nhà, nên cũng không biết rõ cảm giác ấy như thế nào. Nhưng đến nay, sau khi ra trường và đi làm, nhất là sau 1 lần “bị” ăn Tết ở Sài Gòn, thì tôi thấy, nếu chịu khó cũng có lắm cái vui. Tết ở Sài Gòn không buồn như người ta vẫn thường hay nói.
Lần đó, tôi mới lấy vợ và đứa con trai cũng mới chào đời được hơn một tháng. Cộng thêm việc kinh doanh trong năm ế ẩm, thu nhập bị âm…, nên tôi đã quyết định ở lại Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, tự an ủi mình rằng qua Tết sẽ về, rồi kiểu gì cũng xong cái Tết…, ấy nhưng, khi nghe thấy tiếng thu dọn đồ đạc lỉnh kỉnh, tiếng kéo vali, tiếng cười nói rộn rã, háo hức chuẩn bị về quê của các nhà bên cạnh vẫn khiến lòng tôi nao núng.
Trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó, công việc của 3 ngày Tết chắc có lẽ cũng chỉ ăn với ngủ. Bởi bạn bè và đồng nghiệp đã về quê, mà cũng không thể đi du lịch ở đâu được, vì con còn quá nhỏ. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã nhanh chóng bị xóa nhòa, bởi không chỉ có vợ chồng tôi ở lại, mà còn có nhiều gia đình khác, vì nhiều lý do khác nhau đã ở lại.
Bình thường, mọi người cứ đi làm suốt, nhà nào biết nhà đấy, có gặp thì cũng chỉ chào hỏi qua loa, nhưng lúc này, mọi người mới tập hợp nhau lại, cùng đóng góp và tổ chức gói bánh đón Tết.
Ngay buổi chiều hôm 29 tháng Chạp, cả xóm chỗ tôi ở (còn khoảng hơn 10 hộ ở lại) đã bắt đầu tập trung để chuẩn bị gói bánh, làm mứt, trò chuyện rôm rả. Cũng nhờ ngồi lại gói bánh cuối năm, mà những người sống trong cùng một ngõ có dịp biết rõ nhau hơn.
Cái không khí rộn ràng làm tôi cứ tưởng đang được gói bánh ở quê nhà chiều 30 Tết vậy. Bởi năm nào cũng vậy, công việc của tôi trong những ngày cận Tết ở quê là chỉ việc ngồi gói bánh chưng. Từ nhà này rồi lại sang nhà khác, nhà nào ít thì gói 10 chiếc, nhà nào gói nhiều thì 50 chiếc. Bọn trẻ con cứ ve vãn ở xung quanh, chỉ đợi đến cái cuối cùng xem còn thừa gạo, đỗ, thịt, không để xí phần, gói riêng cho mình một cái.
Còn tại đây, mỗi người một quê, mỗi người một giọng. Sau khi gói bánh xong, tất cả ngồi bên bếp lửa để kể cho nhau nghe về những cái Tết ở nơi mình đã ra đi. Trong buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên tôi được nghe chia sẻ của những người hàng ngày sống quanh mình. Tôi chợt cảm thấy yêu hơn cái mảnh đất Sài Thành này. Một miền đất lành luôn mở rộng vòng tay đón nhận, chở che người tứ xứ đến đây học tập, mưu sinh, hay để tìm cơ hội đổi đời… mà chẳng cần quan tâm người đó là ai, đến từ vùng, miền nào.
Chị Hương, quê ở Nghệ An, vào đây làm công nhân đã được gần 10 năm chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên chị đón Tết ở Sài Gòn. Vì công ty được nghỉ muộn, với lại vé tàu, xe ngày Tết cũng đắt, nên chị quyết định để dành số tiền đó gửi về quê cho mẹ sắm sửa Tết cho gia đình và mấy đứa em nhỏ.
Chị Hương kể, ngày Tết ở Sài Gòn cũng rất vui, ở trong trung tâm có rất nhiều tụ điểm vui chơi như đường hoa, đường sách, chợ hoa…, đó là những nơi mà trong năm dễ gì mình được đi.
Hơn nữa, có rất nhiều nhà văn hóa, điểm vui chơi ca hát tổ chức các chương trình văn nghệ miễn phí, lại có cơ hội được gặp nhiều ca sĩ mình yêu thích. Chưa kể, thời buổi công nghệ hiện đại, đêm giao thừa chỉ việc bật Facebook, Zalo lên là có thể nói chuyện trực tiếp với gia đình rồi, khoảng cách ngàn cây số cũng bị rút gọn lại ngay.
Khoảnh khắc cùng nhau ngồi bên đống lửa cũng nhanh chóng qua đi, sáng 30, nhà nào nhà ấy tấp nập chuẩn bị đón năm mới. Giây phút Giao thừa rồi cũng tới, vợ chồng tôi cùng thắp nén hương trước mâm cỗ nhỏ để tạ ơn Đất Trời với những gì mình đang có và cầu mong một năm mới may mắn.
Giây phút cầm nén hương xuân đó thật khó tả, bởi đây là lần đầu tiên tôi làm việc này, việc của một người chủ, trụ cột trong gia đình trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Mọi năm, việc này tôi thường phó mặc cho bố, nên cũng không mấy để ý.
Ngày đầu tiên của năm mới, Sài Gòn vẫn đổ nắng vàng như thường nhật, nhưng trên mỗi con đường, từng góc phố lại vắng lặng, bình yên đến diệu kỳ. Tôi cảm thấy vừa lạ lẫm, mà cũng rất đỗi thân quen. Những ngã tư, ngã năm gần nhà quanh năm kẹt xe không thiếu một ngày, nhưng giờ đây lại rất yên bình và vắng vẻ. Tiếng còi xe inh ỏi, khói bụi mù mịt đã nhường chỗ cho những hàng cây bên đường thong dong trong gió.
Tối mùng 1, sau khi đã đi lễ chùa và chúc Tết bạn bè, mấy nhà trong ngõ tôi ở lại tụ họp lại để cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới. Đây có lẽ là bữa tiệc đặc biệt nhất mà từ trước đến nay tôi được thưởng thức. Nhà ai có món gì ngon cũng mang góp vào, thành ra trên mâm cỗ có đủ đặc sản của 3 miền.
Thịt đông và giò lụa miền Bắc, thịt ngâm nước mắm miền Trung, bên cạnh là bát canh khổ qua của miền Nam và tô thịt kho rệu của miền Tây. Chưa kể, bánh chưng, bánh tổ, bánh tét, bánh in…, thứ nào cũng có. Dường như ai cũng muốn đem cái Tết của quê hương mình ra để góp lại thành cái Tết của Sài Gòn.
Ba ngày Tết rồi cũng qua, những người hàng xóm của tôi cũng bắt đầu trở lại để tiếp tục hành trình của năm mới. Vợ chồng tôi cũng bắt đầu sửa soạn để tiếp tục công việc của mình. Nhưng trong tôi đọng lại một ý niệm rằng, đón Tết ở Sài Gòn không buồn như mọi người vẫn hay nói.