Món quà Tết quê

(ĐTCK) Nhìn vào tờ lịch trên tường nhà, tôi chép miệng, vậy là lại sắp hết một năm, bằng thời gian này năm ngoái mình đang quây quần bên bố mẹ đợi đón Tết. Năm nay không về chắc các cụ sẽ cô đơn lắm…
Món quà Tết quê

1. Nằm ở huyện nghèo của tỉnh Thái Bình, quê tôi những ngày bình thường mà về chỉ thấy người già và trẻ nhỏ, bởi thanh niên, người trưởng thành đều cố gắng thoát nghèo bằng việc đi lên thành phố học tập và ở lại lập nghiệp. Có nhiều người lấy vợ, lấy chồng rồi cũng kéo nhau đi thành phố làm, gửi lại những đứa trẻ cho bố mẹ, ông bà ở quê nuôi hộ.

Cũng như bao gia đình ở quê hiện nay, bố mẹ tôi sinh được 3 người con, những đứa trẻ lớn lên, rời xa vòng tay bố mẹ đi vào Nam lập nghiệp, bởi ở quê chỉ mong vào mấy xào ruộng thì mãi chả bao giờ thoát nghèo. Chúng tôi chỉ về quê với bố mẹ khi có dịp ra Bắc công tác hoặc dịp Tết tư.

Tôi nhớ hồi nhỏ, lũ trẻ tụi tôi chỉ mong đến Tết để được mẹ mua cho tấm áo mới, được nghỉ học, được đốt pháo, được đi chơi, được ăn những món ăn như thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, vì với vùng quê nghèo, đó là những món ăn xa xỉ chỉ Tết mới có.

Hồi đó, chỉ mong tới ngày cận Tết, 3 chị em tôi được ngồi quây quần với nhau ở dưới bếp để canh nồi bánh chưng. Sau đó, đợi tới giao thừa xem bố tôi đốt pháo. Sau này, Nhà nước cấm đốt pháo, Tết dần nhạt đi, các chị tôi cũng lớn hơn và đi vào Nam để lập nghiệp. Đầu tiên là chị cả, rồi tới chị hai và vậy là Tết chỉ còn tôi và bố mẹ.

Nhưng rồi tôi cũng không thể bé mãi, tôi cũng Nam tiến để học đại học. Nhưng cứ cuối năm, bố mẹ lại cố gắng gửi thêm cho tôi ít tiền để mua vé về quê ăn Tết cùng. Vì vậy, 4 năm đại học, tôi không năm nào ăn Tết ở Sài Gòn. Khi tôi ra trường, đi làm, có gia đình riêng, cũng cố gắng cùng gia đình về ăn Tết với bố mẹ, dù nói thật, mỗi khi về quê ăn Tết, coi như cái khoản tích cóp làm việc 1 năm cũng vơi đi.

Tuy nhiên, cũng hơn 10 năm nay, nhà tôi chưa bao giờ có 1 cái Tết đầy đủ những thành viên trong gia đình, bởi cơm áo gạo tiền, 3 chị em chúng tôi bàn nhau chia ra mỗi người về đón Tết với bố mẹ một năm. Năm ngoái tôi về, năm nay tới lượt chị gái tôi, nhưng vì năm vừa qua làm ăn không thuận lợi, nên chị gọi xin không về Tết năm nay. Vậy là bố mẹ tôi sẽ ăn một cái Tết chỉ có hai ông bà.

Chẹp miệng, thôi thì cuộc sống nhiều khi không cho phép mình về quê với bố mẹ, nên đi ra siêu thị mua ít đồ bánh kẹo, vài bộ đồ, đôi giày mới cho bố mẹ, rồi hỏi có ai về quê thì gửi về cho các cụ. Mong rằng chút quà này cũng an ủi bố mẹ một phần. Đây là việc mà hồi giờ, những người con xa quê tụi tôi vẫn làm mỗi khi Tết về. 

2. Sau khi đã mua được những món quà để gửi về cho bố mẹ ở quê, tôi gọi điện về thông báo gửi quà tết cho các cụ và hỏi xem có cần gì thêm không. Tuy nhiên, chưa kịp làm điều đó thì có tiếng gọi cửa. Hóa ra, ông anh ở quê mọi năm vẫn chở đào vào Sài Gòn bán mấy ngày Tết. Anh nói, biết anh mang đào vào nên bố mẹ tôi gửi cho tôi cây đào, vì biết Tết tôi rất thích đào.

Ngoài cây đào, bố mẹ tôi còn gửi cả gạo nếp, cặp bánh chưng, cây giò thủ, những thứ mà nói như các cụ là “chở củi về rừng”, bởi Sài Gòn có thể mua những thứ này chỉ bằng một cú điện thoại. Nhưng sao khi nhận nó từ tay người họ hàng, tôi thấy mắt mình ướt đi và hỏi ra thì, biết cả hai chị gái tôi cũng đều nhận được những món quà này như tôi.

Gọi về thông báo đã nhận được quà Tết, mẹ tôi nói, biết chúng tôi trong này không thiếu gì những thứ đó, nhưng đó là quà quê. Bố mẹ ở quê cũng chả có gì ngoài những thứ quà quê đó, bởi đó là những quà mà hồi nhỏ chúng tôi từng thèm khát mà chỉ có Tết mới có.

Ngồi nhìn cành đào mẹ gửi, tôi nhớ lại mỗi lần về quê, họ hàng tôi luôn có những người ở xa không về được, nên gửi những món quà như những món quà tôi gửi cho bố mẹ tôi hôm nay. Đó thực sự là đồ hiếm và xa xỉ với người quê nghèo chúng tôi. Ở đó, bố mẹ tôi hay những người có con cái đi làm ăn xa không về được sẽ mang ra khoe với xóm làng là “cháu nó bận không về được nhưng vẫn gửi quà về”. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, các cụ chẳng vui gì với những món quà thành thị ấy.

Nhìn thằng con ngồi ngắm cành đào ông bà nội gửi, ăn miếng xôi nấu từ nếp quê nhà với miếng giò một cách ngon lành, khác hẳn với mọi ngày nó phải nhệu nhạo ăn những món ăn thành thị, tôi lại nhớ hồi nhỏ, chúng tôi cũng ăn những món ăn này ngon như thằng con tôi vậy.

Mới mơ màng lưu luyến chuyện xưa cũ tí chút, mà chén trà mới pha để ngắm cây đào tết quê nhà trên tay tôi đã nguội. Chạnh lòng tiếc nuối một thời trẻ dại, một thời thơ ấu với mỗi mùa Xuân về, mình chơi những trò chơi dân gian ở hội đình làng như đi cầu khỉ, ô ăn quan, đánh bi đánh đáo…

Những trò chơi đó ở quê giờ cũng vơi dần đi, ngay cả đứa con của tôi giờ đây vào lớp 1 khi thấy những trò chơi đó trong sách và hỏi tôi đó là trò chơi gì? Giờ đây, cái trò chơi ngày Xuân của chúng nó là những chiếc di động thông minh.

Ở quê, ngày Xuân, những đứa trẻ chúng tôi chỉ cần tót một cái đã qua nhà hàng xóm chơi, thì ở thành phố này, những ngôi nhà cửa đóng then cài với hàng rào mọc lên, nên ngày lễ tết cũng vắng đi tiếng í ới gọi nhau của những ngày Tất niên. Làn khói củi buổi sớm mai quyện với hơi sương chỉ còn là dĩ vãng…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục