Có lẽ, không có một thành phố nào như Sài Gòn, tất tần tật mọi thứ trên khắp đất nước Việt Nam đều có thể dễ dàng mua được tại đây, thậm chí thành phố này có hẳn một siêu thị bán đồ địa phương miền Bắc mang tên Hà Nội.
Ở siêu thị mang tên thủ đô này, không chỉ bó hẹp ở những món quà đặc sản Hà Nội, còn có cả những món hàng đặc biệt chỉ miền Bắc mới có. Có thể kể đến như húng Láng, giò chả Ước Lễ, bánh cốm Hàng Than, cốm nếp làng Vòng, ô mai phố cổ Hà Nội, tương bần Hưng Yên, bánh cáy Thái Bình...
Cũng như ở miền Bắc, khi gặp ai đó nói giọng miền Nam, thì câu hỏi đầu tiên sẽ là: anh, chị ở Sài Gòn hả, thì ở Sài Gòn cũng tương tự, họ không phân biệt địa phương nào, chỉ cần nghe giọng Bắc, thì câu hỏi đầu tiên là: anh, chị ở Hà Nội vào hả?
Bởi những người sinh ra ở miền Nam cho rằng, Hà Nội có nghĩa là miền Bắc. Vì vậy, ở Sài Gòn, những món hàng đặc trưng miền Bắc luôn được gắn mác hai chữ “Hà Nội”, như phở Hà Nội, mận Hà Nội, mơ Hà Nội, nhưng Hà Nội làm gì có đất để trồng những loại hoa quả này.
Thậm chí, có những hôm cuối tuần đi câu cá ở hồ câu, nghe ông bạn câu ngồi cạnh rơi bịch giun (miền Nam gọi là con trùn) khoe nay mua được mớ trùn hổ Hà Nội. Tôi tò mỏ hỏi trùn hổ Sài Gòn và Hà Nội khác nhau ở điểm gì. Ông bạn cho biết, trùn Sài Gòn chỉ 40.000 đồng/bịch, nhưng trùn Hà Nội đắt hơn, tới 60.000 đồng/lạng. Hóa ra, Hà Nội bây giờ cũng nuôi cả trùn hổ phục vụ dân câu tận Sài Gòn và nghĩ lại hầu như cứ gì gắn mác Hà Nội sẽ đắt hơn đồ Sài Gòn.
Trước đây, muốn ăn đồ ăn của miền Bắc, người ta thường kiếm những quán như cơm Nam Định ở Võ Văn Tần, Kẻ Chợ ở Nguyễn Đình Chiểu… Nhưng nay, ở trời Nam này, muốn ăn gì có vị Bắc đều có quán ăn. Chẳng hạn, cháo lòng thì ra gần khu sân bay sẽ có đúng hương vị cháo lòng Bắc. Nhiều người Bắc và cả không ít người Nam sẽ hỏi cháo Bắc khác cháo Nam ở điểm gì vì nó cũng chỉ là cháo. Cái dễ thấy nhất là cháo lòng Bắc không có giá đỗ, cháo lòng Nam thì có một ít giá đỗ vào tô cháo.
Hay như muốn ăn bún chả Hà Nội, bún cá rô đồng Thái Bình, bún cua Nam Định, thịt chó, nem nắm, rượu gạo Hải Hậu, nem Phùng, măng ngâm ớt, cùng trái mắc mật Lạng Sơn, tiết canh lòng lợn, cá chép nấu riêu…, giờ đây cũng góp mặt đầy đủ ở Sài Gòn.
Muốn uống bia hơi Hà Nội thì đi quá Nam Kỳ Khởi Nghĩa một chút, có quán bia hơi Hà Nội trên đường Mai Thị Lựu. Vẫn cái phông vàng chóe của nhà máy bia Hà Nội ở Hoàng Hoa Thám.
Vẫn mấy cái cốc hạng bét xanh xanh đầy bọt khí có từ thời bao cấp. Thịt chó mắm tôm bày lên mẹt, cũng đầy đủ riềng, sả, húng, lá mơ. Quán này còn có lòng lợn luộc trắng phau và cá chép om dưa đúng điệu Hà Nội.
Thậm chí, một thời gian Sài Gòn rộ lên phong trào mở quán bún đậu. Cũng mấy cái mẹt xâu lại treo lên, mấy chữ “bún đậu mắm tôm” loằng ngoằng cho ra vẻ “thư pháp”, phong cách quán lê la kiểu Hà Nội.
Cũng từ đây, có thể thấy câu các cụ vẫn nói “ăn Bắc mặc Nam” có phần đúng, ít ra là vế đầu.
Cận Tết, hàng đoàn xe tải từ Hưng Yên, Hải Dương chở đủ loại đào cành, đào thế bày bán tưng bừng một góc Công viên Hoàng Văn Thụ, Công viên 30.4... Hình ảnh chiếc xe lôi của Nam Bộ với cây đào thế miền Bắc ngất ngưởng đi giữa phố Sài Gòn đông đúc nắng vàng đang trở thành hình ảnh rất bình thường.
Ở một đoạn phố yên tĩnh gần cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, ngày cuối năm, nhiều gia đình gốc Bắc mấy năm nay hẹn nhau bày nồi bánh chưng lớn trước cửa nhà, củi đuốc sẵn sàng.
Đêm đến, họp nhau một nhà, người thùng bia, kẻ con gà luộc, cùng lai rai bên nồi bánh chưng sôi sục. Người Bắc ở Nam, có thể đổi thay, khác đi nhiều thứ, nhưng hồn quê thì sao mà bỏ được và cũng chẳng có lý do gì phải bỏ.
Những khu chợ đặc trưng vị Bắc cũng nhộn nhịp ở Sài Gòn, đơn cử như con đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Những ngày giáp Tết, đây là con đường bày bán lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh giò. Con đường này còn bán luôn những quả gấc đỏ, gạo nếp Bắc và người ta cũng có thể mua cho mình bó lá mùi về nấu nước tắm ngày cuối năm.
Chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng người miền Bắc đang học tập, sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, nhưng con số này không hề ít. Đặc biệt, ở Sài Gòn những ngày cuối năm, dạo một vòng nhà hàng, quán ăn không khó để có thể thấy những buổi tất niên do hội đồng hương các tỉnh, các huyện, thậm chí là các xã ở miền Bắc có người sống ở Sài Gòn lập ra và tổ chức sinh hoạt cùng nhau.
Cứ cuối năm và đầu năm người ta tập hợp nhau lại, ăn với nhau bữa ăn và kể cho nhau nghe về những công việc, chuyện vui buồn của mình trong một năm qua. Ở đó, những giọng Bắc còn ngọng chữ “L” và “N”, hay những tiếng đặc trưng của địa phương được họ nói với nhau mà không phải sửa giọng nói cho chuẩn giọng Sài Gòn để mọi người dễ hiểu.
Ngay cả những người Bắc vào Sài Gòn, mang luôn văn hóa Bắc vào đất trời Nam cũng đều phải công nhận một điều rằng, đất Sài Gòn tứ chiếng hội tụ, chẳng ai quá quan trọng chuyện quê quán. Ở Sài Gòn, người quê gốc Sài Gòn hay từ Bắc, Trung, miền Tây lên, tất cả cũng như nhau cả, miễn là “chơi đẹp”.
Và giờ đây, người Sài Gòn cũng dần quen với cách sống của những người Bắc hơn, thích ăn món Bắc nhiều hơn. Những quán ăn đậm vị Bắc giờ thực khách chính lại là người miền Nam. Trước đây, ngày Tết ở Sài Gòn sẽ là bánh tét, hoa mai, nhưng giờ thì họ chọn cho mình cả bánh chưng và hoa đào.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com