AEC mở cửa…
TS. Đào Hoàng Tuấn và TS. Bùi Thúy Vân (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành điểm hấp dẫn hơn với các nhàđầu tư khi AEC được thành lập.
Trong nghiên cứu về những thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia AEC, hai vị tiến sỹ trên đã đưa ra 6 điểm thuận lớn, trong đó phải kể tới dự báo về làn sóng đầu tư mới vào ASEAN.
“Giới đầu tư đang ngắm tới việc mở rộng thị trường tiêu thụ, thị trường nguyên liệu sản xuất, cũng như cơ hội nhận thêm ưu đãi khi đầu tư vào 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập của ASEAN. Riêng Việt Nam, sự hấp dẫn còn từ địa bàn đưa họ thâm nhập vào 12 thị trường của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP”, TS. Tuấn lý giải nhận định trên.
Cho tới thời điểm này, so sánh theo đối tác, FDI từ các thành viên ASEAN tới Việt Nam đang đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (với 4.488 dự án, tổng vốn đầu tư 53 tỷ USD); Hàn Quốc (4.459 dự án với 39,1 tỷ USD) và Nhật Bản (2.661 dự án với 37,7 tỷ USD).
Số vốn này tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo.
12 lĩnh vực được nhắc tới là sản phẩm từ nông nghiệp, vận tải hàng không, ô tô, điện tử, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may, du lịch, các sản phẩm gỗ, dịch vụ logistics, chế biến thực phẩm, nông - lâm sản.
Một nửa trong số này đang là thế mạnh trong thu hút FDI của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Nhật Bản - những nước thành viên TPP. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam về xuất khẩu các mặt hàng này trong AEC là Thái Lan,
Indonesia, Campuchia,Myanmar hiện chưa tham gia đàm phán, ký kết TPP.
“Vì vậy, các lĩnh vực này sẽ là địa chỉ thu hút được nhiều vốn FDI từ các nước trong và ngoài ASEAN để xuất khẩu sang thị trường TPP rộng lớn với nhiều ưu đãi”, ông Tuấn nói.
Cho tới thời điểm này, so sánh theo đối tác, FDI từ các thành viên ASEAN tới Việt Nam đang đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (với 4.488 dự án, tổng vốn đầu tư 53 tỷ USD); Hàn Quốc (4.459 dự án với 39,1 tỷ USD) và Nhật Bản (2.661 dự án với 37,7 tỷ USD).
Số vốn này tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo.
… nhưng chưa phải là chìa khóa vàng
Vấn đề lớn nhất thúc đẩy dòng vốn FDI trong nội khối khi AEC được thành lập lại chính là các cam kết về tự do chuyển dịch dòng vốn trong AEC yếu và thiếu các điều kiện ràng buộc.
Điều 32 trong cam kết AEC nói rằng, việc tự do chuyển dịch này phụ thuộc vào lịch trình và sự sẵn sàng của từng thành viên. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố gỡ bỏ toàn bộ sự hạn chế về chuyển dịch vốn trong các nước thành viên cũng như giữa các thành viên EU và các nước thứ ba trong điều khoản về tự do hóa tài khoản vốn.
“Đây là lý do để nói rằng, dù Việt Nam có tham gia AEC hay không thì môi trường đầu tư - kinh doanh vẫn sẽ là chìa khóa để thu hút FDI”, ông Tuấn chia sẻ.
Ở đây, cạnh tranh thu hút vốn FDI trong nội bộ AEC không chỉ rơi vào các nền kinh tế ở tốp cuối (gồm 4 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), với cuộc đua về chi phí và chất lượng lao động. Lý do là, các ngành thu hút được nhiều FDI và có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng chính là các ngành ưu tiên phát triển của nhiều nước ASEAN, trong đó nổi bật là Thái Lan (ô tô, điện tử, chế biến lương thực, năng lượng tái tạo), Indonesia (nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng, đóng tàu, dệt may, phương tiện vận tải, du lịch, viễn thông), Philippines (du lịch, dịch vụ kinh doanh, điện tử, khai khoáng, bất động sản, nông lâm nghiệp, phụ tùng ô tô, dệt may)…
Trong số này, chiến lược Thái Lan + 1 đang là thách thức lớn nhất. “Để đón đầu AEC, Thái Lan đã có chiến lược kết nối các cụm công nghiệp trong nước với các nước láng giềng Lào, Myanmar và Campuchia. Các nhà đầu tư vào Thái Lan sẽ được hỗ trợ để đầu tư vào các nước này để khắc phục điểm yếu về giá lao động của Thái Lan”, ông Tuấn lý giải khi đưa riêng vấn đề này thành một thách thức bên cạnh cảnh báo về tiềm lực, cả về vốn và thị trường của doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia và Indonesia so với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, vào thời điểm này, sự hấp dẫn của địa bàn đầu tư Việt Nam đang đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết, gồm TPP, FTA với EU, Nhật Bản, Liên minh Kinh tế Á - Âu…, bao gồm cả ưu đãi thuế quan cũng như các quy định về quy tắc xuất xứ.
Tuy nhiên, còn một lợi thế khác, đó là việc hình thành AEC sẽ giúp Việt Nam có thêm sức mạnh để đàm phán, có khi là mặc cả, cũng như thực hiện các cam kết hội nhập với các đối tác khác.
“Tư duy này sẽ định vị lại thị trường AEC trong chính sách cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam không bị lệ thuộc về đầu tư hay thương mại vào một vài thị trường, từ đó giảm thiểu các rủi ro vĩ mô”, TS. Tuấn phân tích.