Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Thách thức, nhưng không nản chí

80% doanh nghiệp không biết về lộ trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề, với sức ép cạnh tranh rất lớn.

Thách thức lớn đối với doanh nghiệp hiện nay là khả năng cạnh tranh Thách thức lớn đối với doanh nghiệp hiện nay là khả năng cạnh tranh

Tham gia buổi đối thoại trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam không được đầu tư, trang bị kiến thức về hội nhập, nên khá bị động. Theo khảo sát mới đây của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, có tới 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thờ ơ, chưa quan tâm đến hội nhập AEC.

Thách thức lớn ngay tại “sân nhà”

AEC dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động.

AEC là một bộ phận của Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015, với 4 thành tố chính gồm: một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh; phát triển kinh tế đồng đều; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Cơ hội đồng thời cũng là thách thức với các nền kinh tế thành viên khi tham gia AEC là việc tự do lưu chuyển thương thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động tay nghề cao.

Chia sẻ lo lắng về sự bị động của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về mức độ chuẩn bị của Việt Nam khi hướng tới Cộng đồng ASEAN, nếu đưa thang điểm 10, thì việc chuẩn bị ở tầm vĩ mô đạt điểm trên 5, còn chuẩn bị từ phía doanh nghiệp là dưới 5.

Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, thách thức lớn nhất là cạnh tranh toàn diện, không chỉ trên thị trường nước ngoài, mà ngay tại thị trường trong nước; không chỉ từ doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN, mà còn đến từ các nước ASEAN+, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

“Việt Nam phải cạnh tranh không chỉ về hàng hoá, mà còn về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển nguồn lao động có kỹ năng. Các nước ASEAN và ASEAN+ có bề dày kinh tế thị trường, chuẩn bị tốt hơn, sẵn sàng, chủ động hơn; trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang phải nỗ lực để vượt qua những thách thức do những bất ổn trong kinh tế vĩ mô những năm vừa qua”, ông Sơn nói.

Tự tin trước thách thức

Thừa nhận những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt khi lộ trình hội nhập AEC đã cận kề, song Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tự tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung từng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn, nhưng chúng ta đã vượt qua và vươn lên mạnh mẽ.

“Ở thời điểm năm 1995, khi chúng ta chuẩn bị gia nhập ASEAN, nền kinh tế vô cùng lạc hậu, bị cấm vận, cô lập, khó khăn tứ bề, nhưng chúng ta đã chứng minh cho bạn bè khu vực và quốc tế về khả năng hội nhập, phát triển của Việt Nam. Chúng ta đã vươn lên ngoạn mục. Đến thời điểm này, chúng ta đã có những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế, như Vinamilk, FPT, Massan hay Viettel… Nói như vậy để chúng ta tự tin vượt qua những thách thức đặt ra trong tiến trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Khó khăn, thách thức là có, nhưng cơ hội cũng nhiều, đặc biệt là cơ hội để chúng ta học hỏi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị doanh nghiệp. Hạ tầng xã hội, gồm cả hạ tầng “cứng” (giao thông, logistics) và hạ tầng “mềm” (hệ thống hành chính, quản trị) sẽ phải thay đổi để thích nghi và phát triển”, Thứ tưởng Nguyễn Cẩm Tú phân tích.

Trả lời về những việc Việt Nam đã làm được trong quá trình chuẩn bị gia nhập AEC, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, đến thời điểm này, chúng ta đã có những bước hội nhập quan trọng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Điều quan trọng nhất là, chúng ta đã xây dựng được một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường; tiếp cận rất gần với nền kinh tế thị trường phát triển. Nếu so sánh, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, thậm chí chúng ta còn có sự hoàn thiện hơn một số nước trong khu vực.

“Chúng ta cũng đã xây dựng được một nền kinh tế tương đối vững. Đến nay, chúng ta có một hệ thống doanh nghiệp đông đảo, sản xuất được những sản đa dạng và có sức cạnh tranh. Trong kỳ rà soát tháng 10/2014, Việt Nam và Singapore là hai nước có nỗ lực lớn nhất trong hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chúng ta hoàn thành khoảng 90% số lượng công việc cần phải thực hiện, trong khi bình quân các nước chỉ đạt 82,1%”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Quang Hưng
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục