Doanh nghiệp chăn nuôi sẽ chịu nhiều thách thức từ TPP và AEC

(ĐTCK) Việt Nam sẽ chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế, hoặc lợi thế đang suy giảm như chăn nuôi gia súc, gia cầm, công nghiệp sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp, đồng thời có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và ít thương mại như dệt may, da giày, dịch vụ công, xây dựng khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
 
Chăn nuôi là một trong những ngành sẽ phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt nhất từ hàng nhập khẩu Chăn nuôi là một trong những ngành sẽ phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt nhất từ hàng nhập khẩu

Đó là dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) tại “Báo cáo đánh giá tác động của TPP và AEC đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi” vừa được công bố.

Theo VERP, tác động tổng thể từ việc gia nhập AEC ở mức nhỏ, còn ảnh hưởng của TPP lên nền kinh tế Việt Nam lớn hơn nhiều. Cụ thể, khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến doanh thu từ thuế giảm. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, Chính phủ có thể phải tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ, hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm trợ cấp, cắt đầu tư công… để giữ ổn định cán cân ngân sách.

Đặc biệt, một xu hướng đáng ngại có thể xuất hiện là nhập khẩu tăng lên, trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TTP vào trong TTP. Để đối phó với tình trạng này, các chuyên gia thực hiện báo cáo cho rằng, muốn bảo vệ DN trong nước, bảo vệ sản xuất nội địa, cần có hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, trình độ và công nghệ hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, khó khăn trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật là vấn đề năng lực để có thể xác định được các thành phần trong những sản phẩm nhập khẩu, hiện Việt Nam chưa đủ phương tiện để có thể kiểm soát trên diện rộng, bởi vì sự phát triển về mặt kỹ thuật của các nước rất nhanh và mạnh, trong khi chúng ta đi sau. Mặt khác, quan trọng hơn là khi dựng hàng rào kỹ thuật đòi hỏi chính chúng ta phải đáp ứng nhu cầu kỹ thuật đó trước.

Điều này thực sự rất khó, bởi ngay cả các khu vực sản xuất, đặc biệt là khu vực nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào cách làm truyền thống, không tuân thủ các điều kiện kỹ thuật. Chúng ta phải cải cách ngược theo hai hướng đó. Một là nâng cao khả năng kỹ thuật, chuyên môn của tổ chức có vai trò kiểm soát, giám định kỹ thuật. Hai là thay đổi tập quán, quy trình sản xuất của người nông dân, của khu vực nông nghiệp.

Báo cáo đánh giá, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt nhất từ hàng nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TTP. Hầu hết các ngành sẽ bị thu hẹp khi tham gia TTP và ở mức độ thấp hơn khi gia nhập AEC, song ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn thịt bị thiệt hại nhất về sản lượng và phúc lợi, do năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu. Riêng ngành sữa và bò thịt có cơ hội tồn tại tốt hơn, nhưng cần phải tái cấu trúc để tăng hiệu suất và sức cạnh tranh.

Đồng tình với nhận định trên, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng như các DN trong ngành này với quy mô hiện tại rất khó có thể cạnh tranh được với các nước thành viên khác trong TPP.

“Phần lớn các DN chăn nuôi của Việt Nam đều có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, trong khi các nền kinh tế khác đang đàm phán tham gia TPP có ngành chăn nuôi hiện đại và được đầu tư lớn, đó là cả ngành công nghiệp. Để cạnh tranh và tồn tại, các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư lớn cho ngành này để trở thành ngành công nghiệp thực sự, chứ không phải là ngành kinh tế hộ gia đình như hiện nay”, ông Fumihico khuyến nghị.

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam phải chấp nhận “hy sinh” để nhiều ngành kinh tế khác được hưởng lợi, tạo đà cho kinh tế phát triển tổng thể, nhưng ngành này vẫn có cơ hội nếu biết tận dụng.

“Khi gia nhập TPP, thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ sẽ giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận và đầu tư công nghệ mới, giúp tăng năng suất, hạ giá thành. Ngoài ra, một số phân ngành như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, gà chạy đồi, lợn mán, lợn cắp nách... vẫn có cơ hội phát triển do thói quen tiêu dùng của người Việt, nhưng vấn đề là phải tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành”, ông Chinh nói và cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự chuẩn bị về chính sách đối phó và hỗ trợ DN chăn nuôi như thành lập hợp tác xã, tăng cường liên kết, xóa bỏ khâu trung gian…             

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục