AAA “gặp hạn” với bảo hiểm ô tô

(ĐTCK) Bảo hiểm AAA vừa bị tòa án buộc phải bồi thường cho khách hàng số tiền 2,74 tỷ đồng, là thiệt hại của chiếc xe Mercedes Benz S550 do bị ngập nước, chết máy.

AAA “gặp hạn” với bảo hiểm ô tô ảnh 1AAA phải bồi thường 2,74 tỷ đồng cho hợp đồng bảo hiểm xe ô tô có mức phí 83,7 triệu đồng

Thay mới hay hàn máy? 

Theo tài liệu của vụ án, ngày 25/6/2012, CTCP Vận tải thương mại tổng hợp quốc tế (TVL) ký hợp đồng bảo hiểm tự nguyện cho chiếc xe Mercedes Benz 550 với Công ty Bảo hiểm AAA. Đây là gói dịch vụ bảo hiểm cao nhất, mức trách nhiệm là 4,35 tỷ đồng, phí bảo hiểm 83,7 triệu đồng, với điều khoản bổ sung gồm bảo hiểm mới thay cũ, lựa chọn gara nhà sản xuất, thiệt hại rủi ro do ngập nước. Về rủi ro ngập nước, hợp đồng có quy định rõ, xe ô tô chỉ được bảo hiểm khi ngập nước, chết máy mà không được khởi động lại, nếu xe được khởi động lại sẽ thuộc trường hợp ngoại trừ bảo hiểm.

Đến tháng 7/2012, khi chiếc xe này đang lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thì bị chết máy do trời mưa to, đường ngập nước. Công ty TVL đã giữ nguyên hiện  trường và báo cho nhà bảo hiểm. Hai bên thống nhất dùng xe cứu hộ kéo xe về Mercedes An Du và được gara này lập biên bản kiểm tra và xử lý kỹ thuật. Biên bản kiểm tra nêu rõ, thiệt hại và hướng xử lý theo tiêu chuẩn của hãng là phải thay mới tổng thành máy. Được biết, chi phí để thay tổng thành  máy là 2,1 tỷ đồng. Phía Bảo hiểm AAA không có ý kiến gì về nội dung của biên bản kiểm tra, nhưng sau đó lại đề nghị Công ty TVL chuyển chiếc xe sang Mercedes Ngôi sao (cũng là đại lý chính thức của Mercedes Benz Việt Nam) để Bảo hiểm AAA tiếp tục khắc phục hậu quả.

Theo hợp đồng bảo hiểm thì Bảo hiểm AAA phải chịu trách nhiệm bồi thường theo tiêu chuẩn của Mercedes Benz, nhưng bên Bảo hiểm AAA lại đưa ra đề nghị là hàn block máy, không có bảo hành, không theo tiêu chuẩn của hãng, hàn bên ngoài đại lý Mercedes Benz. Do đó, Công ty TVL không chấp nhận hướng xử lý này.

Hai bên quyết định lựa chọn một tổ chức giám định độc lập (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) để xác định nguyên nhân tai nạn và mức độ tổn thất của xe, xem tổn thất này có thuộc trách nhiệm của Bảo hiểm AAA hay không. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự, nguyên nhân tổn thất là do xe đi vào vùng ngập nước, nước vào xi lanh trong khi động cơ vẫn đang hoạt động, dẫn đến hư hỏng và không đủ cơ sở để kết luận xe được khởi động lại sau khi chết máy.

Không chấp nhận kết quả giám định này, Bảo hiểm AAA đã mời Crawford giám định lại. Theo kết quả giám định của công ty này thì thiệt hại của động cơ là do thủy kích làm chết máy trong vùng ngập nước, sau đó động cơ được khởi động lại khiến tay biên bị gãy. Bảo hiểm AAA cho rằng, đây là lỗi của lái xe và phần thiệt hại này không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Không thống nhất được việc bồi thường, Công ty TVL đã đệ đơn khởi kiện Bảo hiểm AAA, đề nghị tòa án buộc Bảo hiểm AAA phải bồi thường thiệt hại thực tế, gồm chi phí thay tổng thành máy theo tiêu chuẩn của hãng Mercedes Benz là 2,16 tỷ đồng, phí gửi xe 33 triệu đồng, phí thuê xe (thay thế cho xe Mercedes Benz S550 ngừng hoạt động) là 550 triệu đồng, tổng cộng là 2,74 tỷ đồng.

AAA phải bồi thường 2,74 tỷ đồng cho khách hàng

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn cho rằng hai bên đã thống nhất lựa chọn Viện Khoa học hình sự giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất, sau khi hai bên không thống nhất được quan điểm đền bù. Với giám định của Công ty Crawford, Công ty TVL không thống nhất, mà do Bảo hiểm AAA tự thực hiện. Trong khi đó, Bảo hiểm AAA cũng không chứng minh, bác bỏ được kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự. Do đó, Công ty TVL đề nghị tòa án buộc Bảo hiểm AAA phải bồi thường theo hợp đồng.

Theo Bảo hiểm AAA, Công ty không chấp nhận kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), với lý do không giải thích rõ ràng kết quả nguyên nhân tổn thất của xe. Do đó, Bảo hiểm AAA chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại ở giai đoạn xe đi vào vùng ngập nước chưa khởi động lại, với số tiền là 48,3 triệu đồng và chi phí gửi xe, cẩu xe, vận chuyển xe. Tuy nhiên, Bảo hiểm AAA cũng thừa nhận, kết luận giám định của Công ty Crawford không có tính chất bắt buộc với hai bên và đề nghị tòa án chỉ định một cơ quan giám định khác,  Bảo hiểm AAA sẽ chịu chi phí cho cuộc giám định mới này.

Trước đề nghị của Bảo hiểm AAA, phía TVL phản đối vì cho rằng không có căn cứ để giám định lại và thực chất đây chỉ là “chiêu” trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng giải thích rõ nguyên nhân hư hỏng động cơ của chiếc Mercedes, đồng thời khẳng định, không có đủ cơ sở để kết luận động cơ được khởi động lại sau khi chết máy.

Đáng chú ý, chiếc xe này đã được thế chấp để bảo đảm cho một khoản vay của Công ty TVL tại Ngân hàng SHB. Do đó, ngân hàng  này nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu thanh toán bảo hiểm bằng tiền chuyển vào tài khoản TVL mở tại SHB.

HĐXX sơ thẩm cho rằng, tại biên bản làm việc tại tòa án, các bên đều không yêu cầu trưng cầu giám định lại. Đến phiên tòa, Bảo hiểm AAA lại yêu cầu giám định lại. Tuy nhiên, việc Bảo hiểm AAA không đưa ra được chứng cứ chứng minh kết luận của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc là có vi phạm pháp luật; đồng thời, các bên đều thống nhất lựa chọn Viện Khoa học hình sự là tổ chức giám định độc lập ngay từ ban đầu, do đó, yêu cầu hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định lại của Bảo hiểm AAA là không có căn cứ, nên yêu cầu này không được chấp nhận.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 48, Luật Kinh doanh bảo hiểm về giám định tổn thất thì kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có giá trị bắt buộc với các bên, HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty TVL, buộc Bảo hiểm AAA bồi thường cho TVL số tiền 2,74 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo hiểm AAA cũng phải chịu mức án phí là 86,8 triệu đồng. 

Khoản 2, Điều 48, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục