6 tháng đầu năm 2022, Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 22,35%

0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, kết quả giải ngân chi tiết vốn đầu tư công của tỉnh đến hết ngày 30/6/2022 là 1.632,043 tỷ đồng, đạt 22,35% kế hoạch vốn thực hiện được giao.
Một góc TP. Cần Thơ Một góc TP. Cần Thơ

Theo Báo cáo sơ kết công tác đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của UBND TP. Cần Thơ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 thành phố được giao là 7.510,368 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 2.723,778 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.786,590 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, UBND TP. Cần Thơ đã giao chi tiết 7.501,786 tỷ đồng, được phân bổ theo cơ cấu dự án gồm: Bố trí vốn cho Quỹ phát triển đất thành phố 200 tỷ đồng; kế hoạch vốn bố trí cho các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện là 7.301,786 tỷ đồng (cấp thành phố quản lý 5.608,172 tỷ đồng; cấp quận, huyện quản lý 1.693,614 tỷ đồng); số còn lại chưa phân bổ chi tiết là 8,582 tỷ đồng vốn chuẩn bị đầu tư.

Về kết quả giải ngân, theo UBND TP. Cần Thơ, qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 30/6/2022 là 1.632,043 tỷ đồng, đạt 22,35% kế hoạch vốn thực hiện được giao chi tiết, tăng 754,503 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối và tăng 7,68% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, cấp thành phố có 21 chủ đầu tư, giải ngân 916,452/5.608,172 tỷ đồng, đạt 16,34%. Cụ thể, có 5 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50%, 5 chủ đầu tư giải ngân từ 30% - 50%, 11 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trong đó có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân).

Cấp quận, huyện giải ngân 715,591/1.693,614 tỷ đồng, đạt 42,25%, gồm: 2 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn (huyện Phong Điền, quận Ô Môn); 5 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân từ 30% - 50% kế hoạch vốn (các huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai và các quận: Cái Răng, Thốt nốt, Ninh Kiều); 2 quận, huyện giải ngân trên 50% kế hoạch vốn (quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ).

Theo đánh giá của UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong những tháng đầu năm 2022 chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đó, có một số nguyên nhân khách quan là do tổng số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2022 là 2.423,390 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 29% tổng kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt là các dự án trọng điểm TP. Cần Thơ chiếm tỷ trọng lớn kế hoạch vốn năm 2022 đang trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai lập thiết kế kỹ thuật - dự toán để đấu thầu xây lắp, nên trong 4 tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều, đơn cử như các dự án: Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ; các Đường tỉnh: 917, 918, 921, 923.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) gặp khó khăn, chủ yếu là người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Có hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA. Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các dự án khởi công mới vào cuối năm 2021 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định, nên những tháng đầu năm 2022, khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số vốn giải ngân chưa nhiều.

Bên cạnh đó, trước biến động giá vật liệu xây dựng, phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

UBND TP. Cần Thơ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan chủ yếu, đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân trong thời gian qua chậm được khắc phục, như một số dự án đang triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công dự toán.

Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư triển khai chậm, đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Công tác phối hợp, triển khai thủ tục đầu tư, đặc biệt là trong việc điều chỉnh dự án, lập và trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của các chủ đầu tư còn chậm, mất nhiều thời gian.

Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, đặc biệt là các dự án khu tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố làm chủ đầu tư. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án khác.

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục