5 cựu lãnh đạo ACB biện hộ trước Tòa

(ĐTCK) Cuối giờ chiều 29/5, các bị cáo nguyên là lãnh đạo của ACB đã tự bào chữa cho mình trước Tòa, bổ sung thêm vào phần bào chữa của các luật sư trước đó.
5 cựu lãnh đạo ACB biện hộ trước Tòa

Bị cáo Lý Xuân Hải:

Bị cáo Hải trình bày: "Bị cáo chỉ có trách nhiệm tập trung mọi ý kiến đề nghị của cấp dưới để chuyển cấp trên giải quyết. Việc cấp trên quyết thế nào thì chúng tôi làm như vậy".

Đối với việc mở tài khoản chuyển tiền từ ACB sang Vietinbank, việc lập tài khoản trước, chuyển tiền sau, bị cáo Hải nói, đó là chuyện xảy ra thường ngày ở các ngân hàng. Tiền vào ngân hàng Vietinbank thì đã là tài sản của Vietinbank. Do vậy, ngân hàng Vietinbank phải quản lý tài sản đó.

"Đối với hành vi rút tiền của Huyền Như, cáo trạng nói Huyền Như “gian dối”. Việc gian dối này là gian dối với Vietinbank", bị cáo Hải biện luân.

Bị cáo Hải cũng cho rằng, trong quá trình tranh luận, các bên có bàn về việc quản lý tài sản có trong tài khoản, ở đây có sự nhầm lẫn. Đối với việc quản lý tài sản trong tài khoản là như quy định trong một số văn bản đã nêu ở tòa là đối với doanh nghiệp chứ không phải cá nhân.

Về cuộc họp HĐQT về đầu tư cổ phiếu, bị cáo Hải khẳng định, hoàn toàn không nhắc đến việc mua cổ phiếu ACB. Bản thân bị cáo không biết  gì về việc mua bán cổ phiếu. Khi biết đã yêu cầu chấm dứt. Cho nên đề nghị VKS xem xét lại truy tố.

Bị cáo Trịnh Kim Quang:

Bị cáo Trịnh Kim Quang đưa ra quan điểm tranh luận. Bị cáo Quang cho rằng, cáo trạng cáo buộc không thuyết phục khi quy tội cho các bị cáo, trong khi những việc này không thuộc chức trách mà họ phải thực hiện. Việc thông qua nghị quyết có hai bộ phận là Ban Kiểm soát và Bộ phận kiểm soát tuân thủ trong Ngân hàng ACB thực hiện rà soát.

Đến năm 2011, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, hai bộ phận này tiếp tục rà soát và không thấy vi phạm nên tiếp tục tiến hành. Cho nên, đây không phải là trách nhiệm của HĐQT vì đây là sự phân công của HĐQT ACB.

Đối với việc đầu tư cổ phiếu, bị cáo Quang nói, không bàn bất cứ việc gì về việc mua cổ phiếu ACB. Người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình, cho nên, bị cáo Quang đề nghị cầm xem xét kỹ đối với hành vi đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ:

Bị cáo Lê Vũ Kỳ không bổ sung quan điểm bào chữa, mà chỉ mong vào sự xét xử công mình của HĐXX.

Bị cáo Phạm Trung Cang:

Bị cáo Phạm Trung Cang bổ sung quan điểm bào chữa. Bị cáo bị truy tố vào tội Cố ý làm trái trong việc ủy thác tiền gửi và đầu tư cổ phiếu.

Theo bị cáo Cang phân tích, tại thời điểm ký Nghị quyết ủy thác tiền gửi vào đầu tháng 3/2010, các thành viên HĐQT đều cho rằng, không trái pháp luật. Sau khi thống nhất là chủ trương này không sai thì đã đồng ý với chủ trương.

Bị cáo Cang trình bày việc mình chuyển sang làm việc tại Eximbank vào đầu năm 2011, bị cáo đã có đơn từ nhiệm vào ngày 31/12/2010.  Kể từ khi từ nhiệm, không còn tham dự, hay được mời với tư cách là thành viên HĐQT, không được nghe báo cáo bất kỳ vấn đề gì về vấn đề ủy thác tiền gửi. Do đó, bị cáo đề nghị được miễn trách nhiệm đối với hành vi ủy thác tài gửi từ Ngân hàng ACB sang Vietinbank.

Đối hành vi thông qua chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu. Ở Ngân hàng ACB, bị cáo là Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách tín dụng, cho nên không có thông tin gì về hoạt động đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm đối với việc ký Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư cổ phiếu của bị cáo chỉ giới hạn đến thời điểm 31/12/2010. Do đó, bị cáo mong HĐXX xem xét, chiếu cố, tránh những hành vi mình không làm mà vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bị cáo Cang đề nghị được xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với tội Cố ý làm trái đang bị VKS cáo buộc.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cảm ơn Hội đồng xét xử và nói: “Tôi đã trở thành người may mắn hơn trong số những người không may mắn. Tôi xin cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát thực hiện việc công tố trước tòa. Tôi không muốn bổ sung thêm gì nữa”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên:

Bị cáo Kiên đã trình bày lý lẽ tự bảo vệ mình trước Hội đồng xét xử. Theo bị cáo, bị cáo không phạm tội Kinh doanh trái phép, bởi việc đầu tư giá vàng của Công ty Thiên Nam hoàn toàn không phải là lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Với hành vi Trốn thuế, bị cáo Kiên khẳng định, bị cáo không biết và không thể biết trước được rằng, 6 tháng sau Quốc hội ra Nghị quyết về việc miễn thuế Thu nhập cá nhân để từ đó có hành vi lập hợp đồng trá hình với em gái mình để trốn thuế.

Với hành vi phạm vào tội Lừa đảo, bị cáo Kiên nói, đây là tội danh bị cáo thấy buồn nhất, bức xúc nhất. Theo bị cáo Kiên, hợp đồng bán cổ phiếu Thép Hòa Phát cho bên Tập đoàn Hòa Phát là nghĩa cử giúp bạn bè, giúp anh Long (Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát).

Bị cáo Kiên cũng mong Hội đồng xét xử cho ông Long được trình bày: “Tôi khẩn thiết đề nghị cho anh Long nêu ý kiến. Hòa Phát có kiện tôi không? Tố cáo tôi không? Hay Hòa Phát chỉ có đề nghị hỗ trợ họ?”

Bị cáo Kiên xin gặp ông Long để giải quyết nhưng không được. Bị cáo Kiên cũng đề nghị giải quyết theo hai hướng là Hòa Phát nhận lại cổ phiếu trong tài khoản của em gái ông Kiên và khi nào bán được số cổ phiếu phong tỏa sẽ trả lại tiền. Thứ hai là Hòa Phát phong tỏa số cổ phiếu của em gái ông Kiên lại và chờ khi công ty bán được cổ phiếu, trả lại tiền mặt cho Hòa Phát. Nhưng cơ quan điều tra nói đây là tang vật vụ án.

Khi biết số cổ phiếu chuyển nhượng cho phía ông Long chưa được giải chấp, ông Kiên đã nhiều lần yêu cầu ACB họp để làm rõ tài sản thế chấp.

Bị cáo Kiên nói: “Quan hệ của tôi với anh Long cũng như ban lãnh đạo Hòa Phát không phải một sớm một chiều. Đó là quan hệ đã nhiều năm, từ khi Hòa Phát mới thành lập cho đến khi hùng mạnh như ngày hôm nay. Tôi không thể có ý đồ chiếm đoạt tiền của Hòa Phát. Đây chỉ có thể nhìn nhận là sai sót”.

Về hành vi Cố ý làm trái, với việc đầu tư cổ phiếu ACB, ông Kiên cho rằng, ông chỉ là một cổ đông của ACB và không có quyền gì để chi phối, chỉ đạo ai cả. Việc mua cổ phiếu là do ông Kiên quyết định trên cương vị là Chủ tịch hai công ty ACI và ACI Hà Nôi, không liên quan gì đến chức danh tôi đang giữ tại ACB.

Cũng theo ông Kiên, ACB và ACBS không có thiệt hại gì trong việc này, mọi khoản lỗ nếu có là do ACI và ACI Hà Nội chịu.

Việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào ngân hàng khác, ông Kiên thừa nhận cuộc họp, nhưng không có ý kiến đồng tình hay phản đối về chủ trương này, bởi cho đây là hoạt động bình thường, không trái pháp luật.

Theo ông Kiên, ACB không có thiệt hại nào bởi tổng thu từ việc này là hơn 1.800 tỷ đồng và kể cả khi khoản thiệt hại với Vietinbank không đòi được thì ACB cũng không bị lỗ.

“Tiền đã được vào đúng các tài khoản mở tại Vietinbank. Vietinbank là ngân hàng lớn như thế mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, của nhân viên mình!” – bị cáo Kiên nói.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục