2014, năm của các nhà xuất khẩu

(ĐTCK) Đó là nhận định của Khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng HSBC trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 1/2014 vừa được công bố. 

HSBC nhận định, Việt Nam bước vào năm mới với triển vọng dần tươi sáng hơn. Xuất khẩu, đặt biệt ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 12 đã thể hiện sản lượng ngành sản xuất tăng tốc, đạt mức 51,8 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. HSBC kỳ vọng, sản lượng sẽ tiếp tục đà tăng, khi hàng tồn kho ở mức thấp, trong khi đơn đặt hàng đang phục hồi.

Việc tăng khối lượng công việc đã có ảnh hưởng tích cực lên công ăn việc làm trong tháng 12, với tốc độ tạo việc làm tăng nhanh nhất trong ba tháng qua. Bà Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC cho rằng: “Lĩnh vực sản xuất tiếp tục góp phần ổn định đà tăng trưởng ở Việt Nam. Mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang dần tăng lên. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu về việc làm và số lượng hàng mua sẽ bù đắp cho mức tăng trưởng yếu ớt trong các lĩnh vực khác. Năm 2014 được kỳ vọng là một năm tốt đẹp hơn một chút, với lĩnh vực sản xuất là chỗ dựa chính”.

Theo các chuyên gia HSBC, điểm sáng chính yếu trong năm 2014 sẽ vẫn thuộc về các DN chuyên xuất khẩu với các điều kiện toàn cầu dần được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu từ các nước phương Tây đã được cải thiện. Lý do rất đơn giản vì nền kinh tế Việt Nam vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu với việc xuất hàng chiếm tỷ trọng 81% GDP cả nước trong năm 2012.

“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2014, từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013 và lạm phát dự kiến sẽ tăng 7,9%”, Trinh Nguyen nói.

Trong khi đó, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, năm 2014, có hai vấn đề đáng quan tâm cũng có thể coi là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, rủi ro do tiến trình xử lý nợ xấu tiếp tục chuyển biến chậm chạp sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Sau một thời gian trì hoãn, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng Thông tư 02 từ ngày 1/6/2014. Khi áp dụng các tiêu chí phân loại nợ theo thông tư này, có thể nợ xấu sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng cung vốn của ngân hàng.

Thứ hai, tăng trưởng thấp sẽ tạo áp lực phải nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, nhưng rủi ro là có thể làm cho lạm phát tăng lên, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

HSBC cảnh báo, nếu triển khai cải cách không đủ mạnh như các quyết sách, thì Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khi các DN trong nước bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính yếu trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.

“Cải tổ ngành ngân hàng, đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực là một vài cải cách cần được thực hiện quyết liệt”, báo cáo khuyến nghị.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục