Hội tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
Đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, là nền tảng cho Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong không khí kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, là nền tảng cho Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông từng nói, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 36-NQ/TW (Nghị quyết 36) chính là đại đoàn kết dân tộc. Thưa ông, vì sao lại chọn đại đoàn kết và đó có phải là quan điểm xuyên suốt từ khi xây dựng nghị quyết này?

Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đặt câu hỏi, vấn đề gì là lớn nhất? Có nhiều ý kiến khác nhau, cho rằng đó là khắc phục hậu quả sau chiến tranh, phát triển kinh tế, khoan sức dân… Đồng chí Lê Duẩn lúc đó nói, vấn đề đại đoàn kết dân tộc là cấp bách nhất.

Đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, những cuộc chiến khiến dân tộc chia rẽ. Khi chiến tranh sắp kết thúc và cả sau đó, có một làn sóng ra đi do nhiều nguyên nhân khác nhau, bằng nhiều cách thức khác nhau. Làn sóng ra đi gây ra sự bất ổn cho xã hội, kinh tế chậm phát triển, đối ngoại ở vị thế yếu.

Vì vậy, phải khẳng định, đại đoàn kết dân tộc, hàn gắn chia rẽ là vấn đề xuyên suốt.

Trước Nghị quyết 36 ra đời (ngày 26/3/2004), đã có Nghị quyết 08 ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, trong đó khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Đây là một nghị quyết quan trọng, mang tính nền móng, nhưng chỉ được phổ biến trong bộ máy Đảng, Nhà nước, mà không phổ biến rộng rãi tới nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Bản thân tôi khi được phân công làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng phải tự tìm hiểu.

Như vậy, sau giai đoạn khó khăn do chiến tranh, đến năm 1993, chúng ta đã có nghị quyết về đại đoàn kết dân tộc và vấn đề này tiếp tục được nhắc lại tại Nghị quyết 36, nhưng với một phạm vi rộng rãi hơn và được công khai. Điều đó cho thấy tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về vấn đề đại đoàn kết dân tộc.

Nghị quyết 36 ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài? Ông đánh giá thế nào về “sức sống” của Nghị quyết 36 sau 20 năm kể từ khi ra đời?

Nghị quyết 36 mang tính bước ngoặt, là “kim chỉ nam” cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, có giá trị bao trùm và cơ bản, đề cập toàn diện mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đề cập tất cả đối tượng, bao gồm cả bộ máy chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng bào ta ở nước ngoài.

Nội dung Nghị quyết 36 có 3 vế cơ bản:

Một là, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Hai là, người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Ba là, người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước.

Sau khi Nghị quyết 36 ra đời và được phổ biến rộng rãi, bà con người Việt Nam ở nước ngoài rất phấn khởi và thấy rằng mình có một phần trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Song song với đó, họ cũng thấy trách nhiệm trong xây dựng, phát triển đất nước.

Trong 20 năm qua, chúng ta đã nhiều lần rà soát công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, như Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Các chỉ thị, kết luận đều cho thấy, nội dung của Nghị quyết 36 mang tính chiến lược, có ý nghĩa lâu dài, sau 20 năm vẫn mang tính thời sự sâu sắc.

Đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.

Đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.

Trong nội dung Nghị quyết 36 có nhấn mạnh việc hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút nhân tài, trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Quan điểm này đã được thể chế hóa vào các văn bản pháp luật như thế nào, thưa ông?

Trước năm 2004, bà con Việt kiều khi về nước thì thủ tục kiểm soát rất chặt chẽ, do phải đảm bảo công tác an ninh. Nhưng với quan điểm mà Nghị quyết 36 xác định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời”, thì không còn là cho về hay không, mà chúng ta mời bà con về.

Ngoài ra, còn là các vấn đề như người dân trong nước nhận kiều hối của bà con ở nước ngoài gửi về, hay chính sách 2 giá cũng thay đổi sau khi Nghị quyết 36 ra đời. Tất nhiên, đó là cả quá trình làm việc, thuyết phục của các cơ quan hữu quan.

Trước khi Nghị quyết 36 ra đời, các quy định nhằm thu hút nguồn lực của bà con ở nước ngoài còn tản mạn. Sau khi có Nghị quyết 36, hệ thống luật pháp đã thay đổi rất nhiều, theo hướng bà con ở nước ngoài ngày càng có nhiều quyền lợi như người dân trong nước. Tất nhiên, chưa phải 100%, nhưng từ chỗ còn khá cách biệt, đến nay đã gần như tương đồng và sẽ còn tiếp tục đổi mới, phấn đấu không còn cách biệt.

Tôi lấy ví dụ, những năm gần đây, mỗi năm lượng kiều hối nước ngoài gửi về khoảng 19 - 20 tỷ USD, với ý nghĩa giúp đỡ gia đình, nhưng mục đích đó hiện không nhiều, mà thực chất là thông qua người thân ở trong nước để đầu tư, hay đơn giản là mua căn hộ, mảnh đất… Tuy nhiên, điều này cũng làm nảy sinh những rắc rối, nhiều gia đình bất hòa vì liên quan đến lợi ích.

Chúng ta đã có nhiều lần đổi mới luật pháp để dần đảm bảo quyền và lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài. Các luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, vấn đề thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư… đều có những mục, nội dung quy định về người Việt Nam ở nước ngoài.

Thống kê từ năm 1993 đến năm 2023, có trên 200 tỷ USD kiều hối gửi về Việt Nam, là một số vốn rất lớn góp phần phát triển đất nước, cân đối ngoại tệ trong nước, hỗ trợ cho VND được vững.

Đặc biệt, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương lập nghiệp, bởi họ nhìn thấy cơ hội tốt trong nước sau khi công cuộc Đổi mới thành công, từ đó đã phát triển trở thành những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp cho đất nước như Vingroup, Sungroup, Masan, Techcombank…

Ông vừa nhắc đến vấn đề đầu tư. Vậy theo ông, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đang quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực nào?

Bà con tham gia đầu tư rất đa dạng. Điều này tùy khả năng của mỗi người, nhưng xu hướng là ai cũng muốn đầu tư về quê hương, để đóng góp cho nơi họ sinh ra và lớn lên. Chẳng hạn, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cách đây mười mấy năm khi gặp tôi, ông Mỹ có ý định về nước đầu tư vào nơi thuận lợi như Bình Dương, Biên Hòa, hoặc TP.HCM. Nhưng cuối cùng, ông đầu tư vào Trà Vinh là quê hương của mình.

Hiện nay, các nhà khoa học, đồng thời là doanh nhân lựa chọn những lĩnh vực công nghệ cao, bởi đây là lĩnh vực tạo ra vị thế mới cho đất nước, có lợi nhuận cao.

Hiện chúng ta nói nhiều đến lĩnh vực chip bán dẫn và cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của ngành này. Đây là cơ hội tốt, nhiều chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc tại các tập đoàn hay có công ty riêng trong ngành bán dẫn ở nước ngoài cũng đánh giá cao cơ hội trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các doanh nhân, nhà đầu tư đang quan tâm đến những lĩnh vực mà Việt Nam có ưu thế như năng lượng, điện gió, điện mặt trời.

Nếu như trước kia, bà con Việt kiều chủ yếu lựa chọn đầu tư vào sản xuất hàng hóa công nghiệp, thì hiện nay, nhiều bạn trẻ đi học ở nước ngoài về, có thể lên những vùng xa để thực hiện những dự án mà thậm chí thế giới chưa có.

Bên cạnh nguồn lực bằng tiền có thể đo đếm được, cũng phải nhắc tới nguồn lực vô giá là trí tuệ của trí thức Việt kiều. Họ đang trở về ngày càng nhiều, cộng tác với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam.

Thưa ông, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới cần làm gì để phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, qua đó thu hút nguồn lực đóng góp cho phát triển đất nước?

Theo tôi, với người Việt Nam ở nước ngoài, cần hỗ trợ bà con có tư cách pháp nhân thuận lợi để sinh sống, học tập và làm việc ở nước sở tại. Ví dụ tại Cộng hòa Séc, cộng đồng người Việt ở đây đã được Chính phủ nước này công nhận là dân tộc thiểu số, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại đề nghị, vận động chính quyền đưa việc dạy tiếng Việt như một môn ngoại ngữ trong chương trình học của trẻ em.

Một vấn đề đang được đồng bào ta ở châu Âu đề nghị, đó là thay đổi Luật Quốc tịch, trong đó có điều khoản cho người đã thôi quốc tịch được quay trở lại quốc tịch, đồng thời vẫn giữ quốc tịch châu Âu. Được biết, từ đầu năm 2024, Đức đã thay đổi luật, cho phép một người có nhiều quốc tịch. Việc được cấp lại quốc tịch có ý nghĩa hết sức thiêng liêng.

Đồng thời, chúng ta cũng cần khích lệ lòng tự hào dân tộc thông qua tổ chức các chương trình vinh danh những cá nhân có đóng góp cho đất nước mà họ sinh sống, cho nhân loại.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục