Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

0:00 / 0:00
0:00
Lý tưởng cùng muôn vàn tình thương yêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mãi soi đường, chỉ lối toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Bác Hồ gặp thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh: TTXVN Bác Hồ gặp thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh: TTXVN

Hoài bão từ Bến cảng Nhà Rồng

Khoảng tháng 2/1911, sau thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, người thanh niên ái quốc Nguyễn Tất Thành rời trường đi Sài Gòn, thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách sang Pháp và các nước phương Tây để xem “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Chính chủ nghĩa yêu nước đã trở thành hành trang giá trị nhất của Nguyễn Tất Thành tại thời điểm ngày 5/6/1911, khi Người xuống tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là TP.HCM) bước vào hành trình tìm đường cứu nước với đôi bàn tay trắng, nhưng bằng ý chí “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Hoài bão của Nguyễn Tất Thành thật lớn lao với niềm tin mãnh liệt rằng, hai bàn tay và lòng yêu nước của mình sẽ làm nên tất cả.

30 năm sau, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới trở về. 30 năm là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận một người dân mất nước trở thành một chiến sĩ Cộng sản quả cảm, nhiệt huyết và đầy tinh thần sáng tạo. Song điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là sự trưởng thành này gắn liền với vận mệnh của một đất nước, tương lai của một dân tộc.

“Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”

Mảnh đất Sài Gòn - Gia Định vinh dự tiễn Bác ra đi trong cuộc trường chinh tìm đường cứu nước. Nhưng nước nhà độc lập mà miền Nam vẫn còn chia cắt. Mỗi khi nói đến miền Nam, Bác thường dùng những từ thắm thiết. Miền Nam là “nỗi nhớ nhà” thường trực. Bác gọi miền Nam là “máu của máu Việt Nam”, “thịt của thịt Việt Nam” và nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Nghe tin quân dân miền Nam bẻ gãy các cuộc càn quét của địch; ở Tây Nguyên có chiến thắng đèo Măng Giang tiêu diệt cả tiểu đoàn Âu Phi và hai chục xe quân sự của địch, giữ chân địch tại chỗ, tạo điều kiện cho ta ở Điện Biên Phủ, Bác quyết định “khao quân”. Trong tiệc, Bác nói: “Hôm nay, Bác cháu mình ngồi ở chiến khu Việt Bắc ăn xôi với thịt gà mừng chiến thắng, thì quân dân miền Nam đã 9 năm rồi, kể từ ngày 23/9/1945 không lúc nào ngơi tay súng chiến đấu với quân thù để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, biết bao chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng…”. Giọng Bác chùng xuống. Nhiều người lặng đi khi thấy những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má gầy của Người.

Trong những lần trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Bác đều xác định rõ mối quan hệ khăng khít của cách mạng hai miền và tinh thần đoàn kết Nam - Bắc một lòng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà khi khẳng định: “Chúng tôi đã đoàn kết một lòng chiến đấu chống thực dân Pháp và xâm lược Nhật. Đó là một điều mà đường ranh giới tạm thời vạch theo vĩ tuyến 17, nhằm làm dễ dàng hơn việc ký kết Hiệp định đình chiến năm 1954, không thể nào thay đổi được”.

Những lời trong Di chúc của Bác đã tăng thêm sức mạnh quật cường, ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với niềm tin về một chiến thắng trọn vẹn.

Chưa có điều kiện vào với đồng bào, chiến sĩ miền Nam, Bác gửi gắm tình thương yêu, nỗi nhớ miền Nam vào những người con miền Nam trên đất Bắc. Mặc dù mới về Thủ đô, bận rộn với biết bao công việc tái thiết đất nước ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh ở miền Nam, nhưng Bác vẫn không quên quan tâm đến tình hình tập kết của cán bộ, bộ đội và các cháu thiếu nhi, học sinh miền Nam. Bác đặc biệt dành sự quan tâm cho chiến sĩ miền Nam bị thương nặng được chuyển ra Bắc chữa bệnh.

Một buổi chiều giữa năm 1966, Bác tới thăm đồng chí Cúc (Hòa Vang, Đà Nẵng) và Mười (Mỹ Tho, Tiền Giang) đang điều trị ở Bệnh viện Việt - Xô. Nghe báo cáo tình hình sức khỏe, Người rơm rướm nước mắt, đưa tay sờ lên vết thương trên đầu đồng chí Cúc, lo lắng hỏi: “Đau thế, đêm cháu ngủ có được không? Cháu ăn có biết ngon miệng không?”. Bác đưa tay vẫy Chủ nhiệm khoa A1 lại gần, dặn: “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải thường xuyên đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị. Ở miền trong thường thích món cá nấu chua lắm!”.

Di chúc và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Khi tuổi cao, sức yếu, nhưng “quên nỗi đau mình, để nhớ chung”, 4 năm trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những lời dặn “để lại muôn vàn tình thân yêu” cho đồng bào, đồng chí. Trong khoảng thời gian ấy, năm nào cũng vậy, đến trung tuần tháng 5, Người đều xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết trong Di chúc, có khi viết thêm một số trang hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ.

Di chúc được khởi thảo trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt nhất. Mỹ ồ ạt đưa 50 vạn quân vào miền Nam, chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Chúng còn tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, quy mô đánh phá ngày càng mở rộng và ác liệt hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, chuẩn bị khả năng thôn tính miền Bắc, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới.

Bạn bè quốc tế bày tỏ lo lắng, có người không tin Việt Nam có thể giành thắng lợi trong cuộc đụng độ lịch sử hoàn toàn không cân sức với Mỹ. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin chắc chắn khi viết trong Di chúc rằng: “Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Với tình cảm thiết tha, khí phách, hoài bão lớn lao, Di chúc thể hiện niềm tin tưởng cuộc kháng chiến chống Mỹ nhất định thắng lợi và khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường. Niềm tin vào độc lập, tự do, thống nhất nước nhà của Người trở thành niềm tin tất thắng cho dân tộc.

Không phải là mong muốn chủ quan, niềm tin đó xuất phát từ đường lối và vai trò lãnh đạo cách mạng, quy tụ toàn dân tộc đoàn kết thống nhất dưới cờ Đảng; từ thực tiễn đấu tranh anh hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của triệu triệu chiến sĩ, đồng bào cả nước; từ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, được nhân loại tiến bộ đồng tình, ủng hộ. Hoài bão của Người là hạnh phúc nhân dân hằng khát khao vươn tới: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thể hiện quyết tâm đoàn kết một lòng, thề “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người”. Theo lời hiệu triệu của Người, miền Nam, Thành đồng Tổ quốc vững vàng trên tuyến đầu chống Mỹ.

Trong đêm dài nô lệ, hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn in đậm trong lòng nhân dân miền Nam, những lời trong Di chúc của Bác đã tăng thêm sức mạnh quật cường, ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với niềm tin về một chiến thắng trọn vẹn. Ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Thành phố Sài Gòn, nơi bao nhiêu năm là hang ổ của chế độ thực dân mới.

Ở bên kia bán cầu, ngày 12/5/1975, Tạp chí Time dành gần như toàn bộ số báo hôm đó để nói về sự kiện quan trọng nhất thế giới lúc bấy giờ: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Trang bìa Tạp chí có bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản đồ Việt Nam màu đỏ, ngôi sao vàng ở vị trí của Sài Gòn được chú thích: “Ho Chi Minh City” và dòng tít lớn: “The Victor” (Người chiến thắng).

Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết rằng, nhân dân Việt Nam ta đã hoàn thành một cách rất tốt đẹp điều “căn dặn khẩn thiết” trong Di chúc và “kính dâng lên Bác bông hoa của chiến thắng, bông hoa của những hạt giống mà Bác đã gieo trồng, bông hoa tươi thắm của mùa xuân nghìn năm có một”.

Tờ World Daily (Mỹ) trong loạt bài “Di sản của Hồ Chí Minh” đã nhận định: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại mà cuộc đời và các tác phẩm còn sống mãi. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản!”.

Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lý tưởng cùng muôn vàn tình thương yêu mà Người để lại mãi soi đường, chỉ lối toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới - như mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Thu Hằng (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục