Tròn 110 năm trước, ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên có tên Văn Ba bước xuống con tàu Latouche Tréville và quyết ra đi, với khát vọng tìm con đường “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người thanh niên đó là Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên hành trình tìm con đường độc lập, tự do ấy, Người đã vượt 3 đại dương, qua 4 châu lục và đặt chân tới gần 30 quốc gia, làm đủ mọi công việc nặng nhọc, để âm thầm tìm hiểu, để sống trong nhân quần lao khổ, để lặng lẽ tìm con đường giải phóng dân tộc, mưu cầu độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào mình.
Người đi khắp chân trời góc bể.
Người nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất: Cách mạng Mỹ (năm 1776), Cách mạng tư sản Pháp (năm 1789) và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Dù rất khâm phục tinh thần cách mạng ở đó, nhưng không thể đi theo con đường của họ. Vì, “Cách mệnh Mỹ cũng như cách mệnh Pháp nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.
Người ở châu Âu, dù chủ nghĩa Mác ra đời hơn 60 năm (1847 - 1911), nhưng trên thế giới chưa có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào giành được thắng lợi. Những nơi Người đến để tìm hiểu cũng chưa có Đảng Cộng sản, vì trước năm 1919, Quốc tế III chưa ra đời. Người chưa thể có điều kiện đầy đủ để gặp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, với tầm viễn kiến, Người tham gia hoạt động ở Đảng Xã hội Pháp, Hội Những người Việt kiều yêu nước tại Pháp. Người gặp “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lê-nin và Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Như lẽ tất yếu, tháng 12/1920, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện vĩ đại này đánh dấu bước chuyển nhảy vọt, quyết định thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Người ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925) và “Đường Kách mệnh” (năm 1927). Ngày 21/6/1925, Người xuất bản tờ báo Thanh niên, chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, để chuẩn bị tổ chức và cán bộ, Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn. Đó là con đường cách mạng vô sản, mà sau này Người tổng kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đi trên con đường cách mạng ấy, sau khi giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng lãnh đạo, Người cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - đó là con đường Người lựa chọn, cả dân tộc lựa chọn, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là sự lựa chọn của lịch sử cách mạng Việt Nam, của đất nước Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng của Người.
Đó cũng là trách nhiệm, là vinh dự và nỗi trăn trở khôn nguôi của toàn Đảng, toàn thể dân tộc ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, suốt nhiều chục năm qua và hiện nay.
*
* *
Hơn 20 năm sau khi Người từ trần, Đại hội lần thứ VII (6/1991) của Đảng quyết định: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Gần 10 năm sau, tại Đại hội lần thứ IX (4/2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, trong các văn kiện chính thức của mình, Đảng ta nêu khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh, với nội hàm toàn diện, phong phú và sâu sắc. Trong sự toàn diện, phong phú và sâu sắc ấy, vấn đề chủ nghĩa xã hội chiếm vị trí đặc biệt quan trọng cùng với độc lập dân tộc. Đây là nhân tố hợp thành nền tảng tư tưởng con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong việc hoạch định đường lối chính trị của Đảng mà dân tộc ta, đất nước ta đang đi và sẽ tiếp tục đi tới đích cuối cùng, không ai và không gì lay chuyển được.
Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người, thuật ngữ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản được Người đề cập tới 1.105 lần, trong đó, thuật ngữ chủ nghĩa xã hội là 993 lần. Một điều kỳ thú là, thuật ngữ này, Người nói lần đầu tiên tại Đại hội Tours (12/1920); và lần cuối cùng trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp, Sác-lơ Phuốc-nê-ô (7/1969). Vậy là, trọn vẹn cuộc đời Người, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thống nhất, xuyên suốt từ lúc khởi thủy khi Người tìm thấy tới khi Người vĩnh biệt thế giới. Sự thật đó tự nhiên như trời đất, hiển nhiên như chân lý, không gì có thể vùi lấp được.
Không chỉ là tư tưởng, mà tư tưởng đó của Người trở thành hành động của toàn thể dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng, trong công cuộc vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu thời kỳ 1920 - 1954, Người sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ 31 lần, thì thời kỳ 1965 - 1969 sử dụng gấp 3 lần, tức 93 lần. Đặc biệt, trong thời kỳ 1958 - 1960, Người sử dụng các thuật ngữ này tới 425 lần để cùng toàn Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Rõ ràng rằng, con đường xã hội chủ nghĩa được Người đề cập không ngừng tăng theo thời gian, gắn chặt với quy mô và tốc độ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và hợp thành một bộ phận không ngừng phát triển trong chỉnh thể tư tưởng của Người.
Điều đó càng sáng tỏ con đường tìm ra và Người lựa chọn: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác, ngoài con đường cách mạng vô sản. Và, cách mạng vô sản phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đâu phải là “sự ngẫu hứng, có tính nhất thời, như một giải pháp tình thế”(!), như ai đó hồ đồ, lầm lạc hay cố tình rắp tâm xuyên tạc, bôi nhọ. Đó là sự lựa chọn có ý thức, trên cơ sở khoa học, phù hợp với lịch sử dân tộc, với xu thế phát triển khách quan và đáp ứng nhu cầu của nhân dân lao động và đất nước ta. Sự lựa chọn đó đã trở thành sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam hơn 91 năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng của Người.
Khảo cứu 1.105 lần các thuật ngữ này được Người sử dụng cho thấy, khái niệm chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng của Người rất cô đọng, hàm súc và hết sức phong phú. Có thể khái lược gồm 5 vấn đề: Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội là lý tưởng tốt đẹp mà nhân loại tất yếu đạt tới; thứ hai, chủ nghĩa xã hội là một phong trào hiện thực lịch sử mang tính chính trị - xã hội; thứ ba, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; thứ tư, chủ nghĩa xã hội là một chế độ hiện thực tiến bộ hơn chế độ tư bản chủ nghĩa; thứ năm, chủ nghĩa xã hội là hệ ý thức của giai cấp công nhân, là chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Người hết sức coi trọng việc xem xét chủ nghĩa xã hội bằng cách xác lập mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chủ thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình khám phá chủ nghĩa xã hội, Người tìm tòi và tiếp cận thông qua sự xác lập động lực và hệ động lực trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Tới đây, một vấn đề đặc biệt kỳ thú, đó là sự đa dạng của chủ nghĩa xã hội và sự phong phú của những con đường xã hội chủ nghĩa. Quả là một vấn đề còn rất ít người bàn đến. Song, kỳ thực, nó lại không hề xa lạ đối với Người. Sự khám phá của người về vấn đề này thực sự đã mở ra chân trời sáng tạo cho sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng, trên thế giới nói chung.
Ngay từ năm 1929, Người đã nói: Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là châu Âu. Tới năm 1960, tức 31 năm sau đó, Người nói rõ hơn: Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục, tập quán khác, có lịch sử địa lý khác, ta có thể đi con đường khác lên chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình lịch sử lúc bấy giờ, như ta đã thấy, nhận thức đó của Người là hết sức đột phá, mới mẻ và sáng tạo.
Tư tưởng đó quán xuyến, vận động trong nhận thức và hành động của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội qua sự xác lập, phát triển biện chứng 10 chữ vàng: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh từ Đại hội VII (tháng 6/1991) tới 12 chữ vàng về chủ nghĩa xã hội tại Đại hội IX (tháng 4/2001) và Đại hội X (tháng 4/2006): Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; từ 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa (năm 1991) tới 8 đặc trưng (năm 2001)...
Từ toàn bộ và do toàn bộ các giá trị đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội đã, đang và mãi mãi trở thành nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực mang bản sắc Việt Nam.
Trước chân lý, ai ngoảnh mặt với nó, kẻ đó hạ nhục chân lý; kẻ nào hạ nhục chân lý, kẻ đó tự hạ nhục chính mình.
Đi trên con đường Người lựa chọn, năm 1996, tại Diễn đàn Đại hội lần thứ VIII của Đảng, đồng chí H. Xing Xơ-dit, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, đánh giá: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua cải cách: Thành tựu mà nhân dân Việt Nam có được là do các đồng chí đã nghiêm túc nỗ lực áp dụng học thuyết Mác-xít Lê-nin-nit vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, đồng chí An-tô-sen-cô (Đảng Cộng sản Liên bang Nga) nói: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. |
Và, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong Điện mừng của Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB) gửi tới Đại hội, có đoạn viết: Sau 35 năm Đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, có thể khẳng định con đường mà Việt Nam lựa chọn là đúng đắn. Điện mừng của Đảng Cộng sản Chi-lê có đoạn viết: Di huấn về tự do, độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu trong trái tim nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản, nhân dân Chi-lê, và ngày nay, tư tưởng này của Người vẫn tiếp tục đồng hành trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự chủ, công bằng và giải phóng dân tộc. Và, Điện mừng của Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa (PPS) Mexico có đoạn viết: Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Mexico đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà các đồng chí đã giành được. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và chia sẻ với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
*
* *
Trong tầm nhìn tới năm 2045, tiếp tục đi trên con đường mà Người đã chọn, thực hiện những quyết sách của Đại hội XIII của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta nhận diện đúng, trúng và toàn diện đặc điểm của thế giới, từ đó phát triển và hoàn thiện con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương hợp với thời đại, đóp góp xứng đáng vào kho tàng lý luận về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong phong trào cách mạng thế giới.
Trong bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” công bố nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5/2021), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh những giá trị đích thực mà chúng ta cần, chúng ta đã và đang hướng tới, hành động để đạt tới. Đó là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”. Đó là “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. Đó là “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Còn nữa, đó là cần một “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Đó là “cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
“Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.
Và, tiếp tục đi trên con đường Người chọn, chúng ta không ngừng độc lập và sáng tạo vì chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tôn trọng quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên một cách biện chứng và phù hợp. Đổi mới mạnh mẽ nhưng không nóng vội, chủ quan, không duy ý chí, càng không bảo thủ, trì trệ, không sáo mòn, rập khuôn, trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc một cách chủ động và hiệu quả.
Tiếp tục đi trên con đường Người chọn, tìm tòi những khâu trung gian độc đáo, những hình thức đột phá mới mẻ, có tính rút ngắn biện chứng nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam toàn diện và bền vững về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, về hội nhập quốc tế và xây dựng Đảng ngang tầm trọng trách đổi mới vì chủ nghĩa xã hội.
Tiếp tục đi trên con đường Người chọn, chúng ta kế thừa và phát triển những thành tựu của nhân loại một cách cầu thị, nhân văn, vì sự thành công của sự nghiệp đổi mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì nền độc lập của mỗi quốc gia dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân loại cần lao, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ.
Và, tiếp tục đi trên con đường Người chọn, chúng ta hãy xứng đáng với Người, với khát vọng của Người: Xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.