Tư duy đổi mới và “chính phủ liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(ĐTCK) Trong suốt sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu một lòng vì dân, vì nước; luôn ấp ủ sự sáng tạo, đổi mới vì sự phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc. Tư duy đó của Người càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nắm bắt cơ hội của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để “sánh vai cùng cường quốc năm châu” như Bác hằng mong mỏi.
Trong các bài viết, nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến đổi mới. Trong ảnh: Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu tham gia Hội nghị Chính trị đặc biệt. Trong các bài viết, nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến đổi mới. Trong ảnh: Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu tham gia Hội nghị Chính trị đặc biệt.

Từ tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Có thể xem tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi nguồn từ khi cậu thanh thiên Nguyễn Tất Thành lựa chọn con đường cách mạng để giải phóng dân tộc.

Không chọn hướng đi như các phong trào yêu nước của các bậc tiền bối, Nguyễn Tất Thành đã bôn ba qua những vùng đất mới, đến tận nơi chính quốc của kẻ thù - thực dân đô hộ nước ta để tìm hiểu và tranh đấu, trước khi trở về lĩnh xướng phong trào cách mạng, giành lấy nền độc lập cho dân tộc. 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người, tư tưởng đổi mới vẫn thường trực, tuôn chảy không ngừng trong tư duy và hành động.

Trong các bài viết, nói, Người nhiều lần nhấn mạnh đến đổi mới với tư duy cởi mở, khuyến khích mọi người hành động đổi mới, đồng thời phê phán một số người “còn có tư tưởng bảo thủ, không chịu tiếp thu dễ dàng cái hay, cái mới”.

Người từng nói “Chẳng có việc gì là không thể đổi mới”; “Đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lần đầu cũng lạ, nhưng sau rồi quen”.

Trong Di chúc (phần viết tháng 5/1968), Bác coi việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” là phần việc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”; rằng xây dựng lại đất nước sau chiến tranh “là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Tư duy đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn bó mật thiết với nhận thức sâu sắc về cội rễ sức mạnh để hiện thực hóa đổi mới, đó là nhân dân. Tư duy này được đặt trong mối quan hệ hai chiều, giữa nhân dân và chính quyền. 

Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15/10, (với bút danh X.Y.Z). Bài viết đã nêu gốc rễ của đổi mới chính là nhân dân, do nhân dân thực hiện: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của nhân dân; Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân…”.

Sau này, trong Di chúc, (bản viết năm 1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc đến vai trò của nhân dân khi đổi mới, tái thiết đất nước, Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12).

Tư tưởng đổi mới cũng như khẳng định chân lý phải dựa vào nhân dân - cái gốc của mọi thành công trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa, phát triển trong công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Tại các kỳ đại hội từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng ta đều rút ra bài học về đổi mới, trong đó tiếp tục khẳng định đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Đổi mới phải vì lợi ích của dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân.

... đến tư duy “Chính phủ liêm chính, kiến tạo”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc rèn giũa tài đức của người cán bộ và của bộ máy chính quyền, luôn nhắc nhở cán bộ phải là công bộc của dân, vì dân phục vụ. 

Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết liên tiếp nhiều bài về công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chính quyền vì nhân dân, về đạo đức, năng lực cán bộ. 

Với cương vị là Chủ tịch nước, Bác đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chỉ rõ những khó khăn của bộ máy chính quyền khi đó, nhất là trong việc kiến thiết đất nước: “Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, gìn giữ, kiến thiết. (…).

Trong việc phá hoại chống kẻ thù, đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém mà công việc thì nhiều…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4).

Nhưng theo Người, khó khăn lớn nhất chính là tình trạng một bộ phận cán bộ sau khi giành được chính quyền thì bắt đầu “lên mặt quan cách mạng”, thoái hóa, biến chất, không quan tâm đến đời sống nhân dân.

Ngày 17/9/1945, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (tỉnh Nghệ An), Bác thẳng thắn chỉ ra rằng, “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”. 

Sau đó vài ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 19/9, nêu: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. 

Bài viết cũng phân tích rõ sự khác biệt của bản chất của chính quyền trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tức là sự khác biệt giữa chính quyền phong kiến, phục tùng sự cai trị của thực dân đế quốc và chính quyền cách mạng.

Người nêu đến cấp chính quyền ở địa phương: “Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”.

Người phê phán những cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu ra mình là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân…”. 

Có thể nói, tư tưởng “chính phủ liêm chính, chính phủ hành động” ngày nay chính là trở về cội nguồn tư tưởng chính phủ là công bộc của dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở.

Việc chọn cán bộ có tài đức, chí công vô tư, hết lòng phụng sự nhân dân tiếp tục được Bác đề cập, nêu thẳng vấn đề “chạy chọt” để có chức, có quyền trong bài “Bỏ cách làm tiền ấy đi” (Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945). Bác viết: “Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây dựng cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc gìn giữ, xây dựng đất nước…”. Người cho rằng, việc mua quan bán chức như vậy “có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi hết những hủ tục khác như làm rượu ăn mừng được bầu vào Ủy ban..”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng người tài đức và nhất là để tiếp thu cái mới thì cần coi trọng người trẻ tuổi. Người từng nói: “Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt”.

Người cũng sớm nhìn nhận vai trò của lớp cán bộ trẻ trong tiếp thu khoa học - kỹ thuật, tiến bộ vào công việc. Nhưng Bác cũng nhấn mạnh, không vì lý do dùng người trẻ mà đưa con, đưa cháu vào bộ máy, thậm chí là con cháu kém tài, kém đức:  

“Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con làm cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được”. Người cũng nói chân tình với các đảng viên lâu năm khi về thăm Nghệ An: “Còn vấn đề lo cho con cháu của các đồng chí, cái đó là đúng. (…) Nhưng mà nó không có khả năng, nó xấu cũng phải dẹp lại. Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10).

Không chỉ nhắc nhở về tư cách của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kêu gọi nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình để bầu ra những cán bộ có tài, có đức trong bộ máy chính quyền, phục vụ sự nghiệp kiến thiết đất nước.

Đó cũng là bổn phận, là trách nhiệm của người dân – một điểm khác biệt mang tính lịch sử của người dân Việt Nam khi trở thành người dân của một nước độc lập. Chính vì thế, ngay trước cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I, trong lời kêu gọi toàn thể đồng bào, quốc dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi:

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ… Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…”.

Sau đó, Người cũng nhắc nhở cử tri về cách lựa chọn những người thay mình gánh vác việc nước, rằng “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” (lời phát biểu ngày 5/1/1946 tại lễ ra mắt ứng cử viên trước ngày bầu cử).

Có thể nói, tư tưởng “chính phủ liêm chính, chính phủ hành động” ngày nay chính là trở về cội nguồn tư tưởng chính phủ là công bộc của dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở. Những vấn đề lựa chọn cán bộ tài đức, biết tìm tòi, học hỏi, tiếp thu cái mới để kiến thiết đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền thực sự là “công bộc của dân” mà Bác Hồ đã nêu nhiều thập kỷ trước, cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Bá Thư
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục