Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ đầu tiên của tỉnh này sang thị trường châu Âu.
Trước đó, Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và Mỹ. Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Czech) và QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu với giá bán 1.800 USD/tấn.
Lô hàng đầu tiên này sẽ xuất đi từ cảng Đà Nẵng vào giữa tháng 2/2023. Nếu được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xuất khẩu 30 - 50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.
Từ năm 2017, QTOrganic đã chọn một số địa phương ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị triển khai chuỗi liên kết mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ với nông dân.
Toàn bộ diện tích được canh tác bằng công nghệ hữu cơ hàng đầu Nhật Bản. Mô hình gạo hữu cơ tại Quảng Trị của công ty cho năng suất 5,5-6 tấn lúa/ha; sản lượng khoảng 340 tấn/năm với diện tích gieo trồng trên 35ha/vụ.
Sản phẩm gạo này đang được bày bán tại khắp các siêu thị trên cả nước. Năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.
Năm 2022, xuất khẩu gạo đã lập thành tích lớn khi xuất bán trên 7 triệu tấn, thu về gần 3,5 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng và tăng 5,1% về giá trị so với năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 với 43,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2022 đạt 3,21 triệu tấn, mang về 1,49 tỷ USD. Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (gấp 21,3 lần), trong khi tại Bangladesh giá trị xuất khẩu gạo Việt giảm mạnh nhất (-51,2%).
Có thể thấy, các mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra cho ngành lúa gạo năm 2022 đều đạt được. Không chỉ đảm bảo đủ lương thực cho thị trường gần 100 triệu dân, gạo Việt còn xuất khẩu khối lượng lớn, mang về doanh thu hàng tỷ USD.
Bên cạnh gạo trắng, các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Trong đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu gạo thơm đi Trung Đông, châu Âu với giá bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 xuất sang EU có giá trên 1.000 USD/tấn. Tập đoàn Lộc Trời cũng đưa gạo mang thương hiệu Việt vào các hệ thống siêu thị ở Pháp, với sự kiện ra mắt là 860 tấn gạo Jasmin được bán trên toàn hệ thống của E.Leclers.
Năm 2023, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp.